632 Dong Tac street

Phố Đông Tác

sông Lừquận Đống Đa

Phố Đông Tác mang tên một phường Thăng Long cũ, có ít nhất từ thế kỷ XV. Chiều dài từ ngã ba Đông Tác - Lương Định Của (2R4J+9F) đến ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc (2R4P+F2): hơn 400m. Nay thuộc: phường Kim Liên, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 4km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: TXL nước sạch Kim Liên - Đông Tác (xe 18, 23, 99), 88 Lương Định Của (18, 23).

Lược sử

Phố Đông Tác chủ yếu hình thành sau khi UBND TP Hà Nội cho xây cây cầu bê-tông bắc qua khúc sông cắt ngang phố Phạm Ngọc Thạch. Trước kia nó được gọi là sông Hoàng, nối thông sông Kim Ngưu với sông Tô Lịch. Nó chảy từ phía chùa Xã Đàn qua gò Đống Đa và tạo thành ranh giới giữa khu Khương Thượng với khu Trung Tự bây giờ. Vùng đất này gắn liền với lịch sử dân tộc ta. Năm 1789, chiến thắng chớp nhoáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu đã mở toang cửa ngõ cho quân Tây Sơn tiến vào kinh thành Thăng Long sau khi tiêu diệt đồn Khương Thượng và làm thái thú Sầm Nghi Đống - chỉ huy giặc Thanh tại đó phải thắt cổ tự tử.

Đầu phố Đông Tác. Photo NCCong ©2019

Một trong số ít di tích lịch sử may mắn vẫn còn sót lại tận bây giờ chỉ nằm cách cầu Đông Tác 400m. Đó chính là ngôi chùa Bộc nơi có tác phẩm điêu khắc và đôi câu đối nổi tiếng được cho là gắn với hình tượng Hoàng đế Quang Trung. Chùa Bộc có từ thời Lê, tên chữ Sùng Phúc Tự. Năm 1792, trên nền cũ bị cháy trụi trong chiến dịch Tết Kỷ Dậu vừa nói, chùa được xây lại lần nữa, đổi tên là Thiên Phúc Tự và làm am để chiêu an các vong hồn tử sĩ.

Cuối phố Đông Tác. Ảnh NCCong ©2018

Sang thời Nguyễn, ngôi làng phía nam của phường Đông Tác đổi tên thành làng Trung Tự. Vào cuối thế kỷ XX, đất làng này bị chia cho 3 phường: Phương Liên, Trung Tự, Kim Liên. Trước khi đổ vào sông Tô Lịch, sông Lừ chảy qua xóm trại Cam Đường xuống cống Vọng và sân bay Bạch Mai. Sân bay cách hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 5km về phía nam, thế mà trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, một nhóm đặc công của QĐND Việt Nam đã đột nhập được và đốt cháy nhiều phi cơ Pháp tại đây. Cạnh đó, trên đất cũ của làng Khương Thượng hiện nay có Bảo tàng của Binh chủng Phòng không - Không quân và trường Đại học Y Hà Nội. Tất cả các địa điểm nói trên đều thuộc quận Đống Đa.

Cầu Đông Tác. Ảnh NCCong ©2019

Hãy ngược thời gian xa hơn nữa. Vào thế kỷ XV, nhiều người dân của thôn Đông Tác xứ Thanh, nay là một địa danh của TP Thanh Hoá, đã đi cùng quan quân nhà Lê lên kinh đô Thăng Long lập thành phường với cái tên làng cũ. Đông Tác còn là tên một làng có bến cá lớn, nay thuộc Phường 6, thành phố Tuy Hoà, thủ phủ tỉnh Phú Yên. Phia nam làng này là phi trường Đông Tác (toạ độ 13°03′N, 109°20′E), trước 1975 xếp hạng thứ hai miền Trung, chỉ sau sân bay Chu Lai. Xin nói thêm rằng năm 1841 ông nghè Nguyễn Văn Lý từng làm Án sát tỉnh Phú Yên và lấy một bà vợ ở đó, về sau mở ra một nhánh đông đúc của họ Nguyễn Đông Tác.

Đông Tác cũng là tên một thôn chài nhỏ (toạ độ 20°41’N, 106°42’E), nay thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Thôn nằm ở phía tây nam thị xã Đồ Sơn, ngay bờ trái cửa sông Văn Úc. Phía bắc có sân bay quốc tế Cát Bi, cũng cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Lại nói thêm rằng Kiến Thụy xưa kia vốn là Dương Kinh của nhà Mạc (thế kỷ XVI), và bên kia sông là Đò Mè, được nhiều học giả coi như cảng Domea của Đàng Ngoài (thế kỷ XVII-XVIII).

"Chợ hàng thùng"

Đoạn cuối phố Đông Tác ngày nay rất nổi tiếng với cả một cái chợ gồm nhiều căn hộ thuộc khu chung cư Khương Thượng đã chuyển đổi công năng sử dụng thành những cửa hiệu mua bán quần áo cũ nhập khẩu trong container, được gọi là "hàng thùng". Khu này ăn thông sang phố Tôn Thất Tùng và bên trong lại có một cái chợ khác.

Ngõ 41 Đông Tác. Photo NCCong ©2019

Bên phía đông cây cầu, dọc theo hai bên phố là mấy ngõ hẻm và dãy nhà chung cư khác thuộc hai phường Trung Tự và Kim Liên. Riêng ngõ 41 chạy dọc theo sông thì có nhiều khúc rộng như phố và tại số nhà 89 hiện có Bảo tàng Công nghệ Thông tin tư nhân trưng bày hiện vật và thông tin về các tổ chức, sự kiện và nhân vật liên quan (mã cộng: 2R4M+75, cạnh chung cư C14 Khu tập thể Kim Liên).

Trong thập niên 2010, tại khu vực cuối phố đã khánh thành Trung tâm thương mại Vincom Phạm Ngọc Thạch với khá nhiều dịch vụ thuận tiện và hiện đại. Mật độ cư dân ở đây trong 50 năm qua đã tăng lên hàng trăm lần so với khi thực dân Pháp rút đi vào năm 1954. Đồng ruộng và các vườn cây ăn quả hoàn toàn biến mất. Diện tích các sông, hồ đều bị thu nhỏ đáng kể. Các mặt hồ và dòng nước sông trở nên đen ngòm, hôi thối, ô nhiễm rất nặng, tưởng chừng không còn loài vật nào có thể sống nổi ngoài ruồi muỗi.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2019, Dong Tac street