634 Linh Tien Quan pagoda
Chùa Linh Tiên Quán
nhà Mạcđạo quánh.Hoài ĐứcQuán có ít nhất từ 1617, đến thế kỷ XIX chuyển thành chùa. Tên chữ: Linh Tiên Quán. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 3M8W+8M, xã Đức Thượng, H. Hoài Đức, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 19km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Trường THPT tư thục Bình Minh (xe 20A, 70A, 70B, 92)
Lược sử
Thời Lê sơ, vùng Hoài Đức trở thành một trung tâm của Đạo giáo, quán Linh Tiên từng là nơi khắc ván in kinh sách, thu hút nhiều đạo sĩ và môn đệ. Đến cuối thời Lê trung hưng, Đạo giáo suy yếu, nhiều quán không còn ai đến tu luyện nữa và dần dần chuyển thành chùa chiền khi ảnh hưởng của Phật giáo lại mạnh lên, nhất là dưới thời Nguyễn.
Di vật cổ nhất có ghi tên “Linh Tiên Quán” là tấm bia “Tu tạo bi ký” dựng vào thời Mạc, hiện vẫn còn ở dưới gác chuông. Theo văn bia “Linh Tiên Quán bi ký” tại tấm bia thứ hai mang niên hiệu Hoàng Định 18 đời Lê Kính Tông (1617), tương truyền quán được lập ra từ thời nhà Triệu (thế kỷ II TCN). Thừa tướng Lữ Gia đi qua thấy các tiên ngồi đánh cờ rồi bay lên trời bèn sai dựng quán làm nơi tu Đạo giáo.[1]
- Tiền đường chùa Linh Tiên Quán. Photo NCCong ©2018
Đến thế kỷ XIV, công chúa Thái Trưởng của Trần Minh Tông tới đây cầu tự, sau sinh được con trai, vua bèn cho tôn tạo, mở rộng quán. Dân làng Cao Xá đã dựng tượng vua để thờ ở tiền đường. Đến năm Giáp Thìn (1544), nhiều quý tộc đã góp công đức trùng tu quán này, đáng kể có phò mã Mạc Ngọc Liễn và công chúa Mạc Kim Dung. Đặc biệt họ còn cho đổi hướng quán từ tây-nam sang đông–bắc, xây tam quan, mở rộng khuôn viên như ta thấy bây giờ.
Do quán đảo ngược hướng nên có cấu trúc lầu gác kiểu "tiền khánh, hậu chuông" không như kiểu thường thấy trong các chùa, quán khác. Và cái giếng xưa đào quặng để luyện đan vốn ở trước sân cũ thì nay lại nằm dưới gầm bệ thờ tại thượng điện.
Chùa Linh Tiên Quán đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia theo quyết định số 34VH/QĐ ngày 9 tháng 1 năm 1990. Nhân dân địa phương thường gọi tắt là “chùa Linh Tiên”. Năm 2018 có xảy ra vụ đánh tráo 3 câu đối cổ ở đây, nay kẻ chủ mưu đã bị xử tù nhưng ni sư trụ trì vẫn chưa được trở lại chùa.[2]
- Tượng Tam Thanh, Linh Tiên Quán. Photo NCCong ©2018
Kiến trúc
Hiện nay du khách thường vào chùa bằng cổng bên, theo con ngõ nhỏ đi qua vườn tháp mộ rồi tới cửa ngách ăn thông với sân hậu. Từ sân có thể đi tiếp ra phía sau thượng điện và leo lên một gác chuông đẹp có treo quả đại hồng chung cao 1,40m được đúc vào thời Tây Sơn, triều Cảnh Thịnh (1797). Bên dưới gác để trống 4 mặt, cạnh chân thang trên lưng rùa đá có đặt tấm bia “Tu tạo bi ký” mang niên đại nhà Mạc.
Nếu nhìn từ cổng chính ta sẽ thấy một tam quan nội, kiểu hai tầng, trên gác treo khánh. Dưới bóng cổ thụ là lối đi giữa hàng cau dẫn tới sân trước. Tiền đường, thiêu hương, thượng điện kết nối theo hình “chữ Công”, tạo thành một không gian lớn chứa hàng trăm pho tượng. Bỏ đi những dãy nhà gạch xây dựng muộn hơn để làm điện Mẫu, nhà Tăng, nhà khách, nhà kho, nhà bếp thì Linh Tiên Quán vốn là một kiến trúc chủ yếu bằng gỗ. Các trang trí phần lớn mang dấu ấn của nghệ thuật từ thời Lê trung hưng đến Nguyễn, ví dụ như đôi nghê đá xanh, hương án, bộ kiệu, đôi hạc gỗ và bức chạm cửa sổ...
- Tượng Mạc Ngọc Liễn, Linh Tiên Quán. Photo NCCong ©2018
Di sản
Ngoài văn bia, phần lớn các hoành phi, câu đối cũng liên quan đến Đạo giáo, tuy trong chùa có cả tượng Khổng Tử của Nho giáo và vài tượng Phật giáo (Cửu Long, Hộ pháp, Quan Âm, Thất Bảo Như Lai). Sừng sững giữa nhà thiêu hương là tượng Ngọc Hoàng ngồi giữa Nam Tào và Bắc Đẩu; phía sau là các tượng Hậu và tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, phía trước là một tượng nhỏ của Lão Tử. Ngoài ra còn có các tượng Đế Thiên, Đế Thích, Kim Đồng, Ngọc Nữ và Thập Điện Diêm Vương.
Trong thượng điện là bộ tượng Tam Thanh đại diện cho mọi chư tiên Đạo giáo ở ba cung trời. Cả ba được làm bằng đất, cao 2,30m, hình dáng đạo sĩ ngồi trên bệ, búi tóc hình trụ cài trâm, chít khăn vàng, khoác áo vàng, mặc quần thụng, thắt đai lưng. Góc trước bên phải thờ Trấn Võ, bên trái thờ Văn Xương đế quân, vị thần trông coi văn học. Ở đầu chái bên phải có cung Trần thờ Hưng Đạo Vương, bên trái thờ hậu Mạc Ngọc Liễn và vợ. Ngoài tượng Lữ Gia, Lý Quốc Sư, còn có khá nhiều tượng nhỏ bày trước tượng Tam Thanh và ban thờ Lục địa thần tiên.
- Thần điện Linh Tiên Quán. Photo NCCong ©2018
Trong chùa có một cái trống da nổi tiếng được dân gian lưu truyền là “Chuông chùa Hống, trống Linh Tiên”. Hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng các sư và Phật tử địa phương lại tụ họp tại đây làm lễ. Hội làng Cao Xá Thượng được tổ chức ngày 13 tháng Hai âm lịch, nhân dân mở cửa Linh Tiên quán để rước kiệu Mẫu sang đình và hôm sau thì rước Ngài trở về.
Di tích lân cận
- Chùa Diên Phúc: 3MHM+77, 174 Phố Thú Y, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức.
- Chùa Giang Xá (Bảo Phúc Tự): 3P83+Q5, thị trấn Trạm Trôi.
- Chùa Kỳ Viên: 3P72+8Q, thôn Cao Xá Hạ, xã Đức Giang.
- Chùa Quán Chiền: 3MFV+W8, thôn Chiền, xã Đức Giang.
- Đình Giang Trôi: 3P83+5W, thị trấn Trạm Trôi.
- Đình Lưu Xá: 3P63+HH, thôn Lưu Xá, xã Đức Giang.
- Gác chuông Linh Tiên Quán. Photo NCCong ©2018
Chú thích
[1] Trong chùa hiện còn đôi câu đối:
Thiên thông trác khí, cổ lai tiên quán truyền cựu tích
Địa khai đan huyệt, thiên thu ngọc tỉnh bá phương danh.
(Tạm dịch: Trời thông khí đẹp, quán tiên tự cổ truyền tích cũ / Đất mở huyệt đan, giếng ngọc ngàn năm toả tiếng thơm).
Và một đôi câu đối khác:
Linh quán đệ nhất danh, Lã thừa tướng hạnh du thử địa
Tiên đài thiên vạn cổ, Lý pháp sư trì tụng chân kinh.
(Tạm dịch: Quán thiêng nổi tiếng nhất, thừa tướng Lữ Gia vãng du đất đẹp / Đài Tiên nghìn vạn năm, pháp sư thời Lý tụng niệm chân kinh).
[2] Theo hồ sơ di tích thì trước đây Linh Tiên Quán có 175 hiện vật và đồ thờ. Kết quả kiểm kê năm 2019 được 546 hiện vật và đồ thờ (vì có những hiện vật mới cung tiến) phát hiện mấy thứ bị thiếu. Ni sư Đàm Chính (SN 1961) giải thích: Hai con nghê đá trước sân từng là chậu đốt vàng mã, về sau dân đốt nhiều, ni sư Đàm Phúc (trụ trì 1989-2003) lo xảy ra hỏa hoạn nên đã phá bỏ. Ba tấm ván kinh và hai cuốn thư bị kẻ trộm đột nhập vào chùa lấy đi năm 2001, ni sư đã làm đơn trình báo lên trên xã và huyện, cơ quan chức năng mở cuộc điều tra song chưa tìm ra thủ phạm, nhà chùa phải cho phục chế để thay thế. Còn tấm bia đá thời Lê (cao 40cm, rộng 30cm) thì từ 1989 khi bà về chùa đến nay chưa từng nhìn thấy.
©NCCông 2018-2020, Linh Tien Quan pagoda