635 Quan Nhan pagoda

Chùa Quan Nhân (Sùng Phúc Tự)

Lê trung hưngs.Tô Lịchq.Thanh Xuân

Chùa Quan Nhân có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Sùng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: Ngõ 144 Quan Nhân, 2R35+RR, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,8 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Nhà Chờ Hoàng Đạo Thuý, 33 Lê Văn Lương, Trường THPT Nhân Chính, Đd 227 Giáp Nhất.

Lược sử

Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân tăng lên đông đúc, phải chia thành 2 xã Nhân Mục Cựu (gồm Thượng Đình, Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Đến nay một số thôn này vẫn được gọi trong dân gian với tiếng Mọc kèm vào đầu. Xã Nhân Mục sau đổi tên Nhân Chính, thuộc huyện Từ Liêm; từ 1-1-1997 trở thành một phường của quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Vùng Nhân Mục giàu truyền thống hiếu học, thời xưa có nhiều người đỗ đạt và làm quan. Làng Quan Nhân vốn là một trang ấp ở bên trái con đường Thượng đạo đi lên Cống Mọc, nơi có cầu bắc qua sông Tô Lịch, nối trấn Sơn Nam với Thăng Long. Đến thế kỷ XIX thì làng đã thuộc loại khá lớn, được chia thành xóm Chùa và xóm Sòi.

Cổng chùa Quan Nhân. Photo ©NCCong 2018

Sùng Phúc Tự là chùa của làng Quan Nhân. Chùa toạ lạc trên một khu đất ven hồ, cách Cống Mọc khoảng 800m và cách Hồ Gươm chừng 7km về phía tây nam. Bạn có thể đến cụm di tích đình chùa Quan Nhân bằng 3 lối. Nếu đi theo đường Láng thì qua cầu Mọc vào phố Quan Nhân rồi rẽ phải vào ngõ 144. Nếu theo đường Nguyễn Trãi thì rẽ phải vào phố Vũ Trọng Phụng rồi lại rẽ phải vào phố Quan Nhân cũng sẽ tới ngõ 144. Nếu theo đường Lê Văn Lương thì rẽ trái sang phố Hoàng Đạo Thuý rồi đi tiếp vào ngõ 144 Quan Nhân.

Hiện chưa ai biết ngày tháng chính xác khởi dựng chùa. Theo một thuyết căn cứ vào nội dung tấm bia đá tại đình Quan Nhân ghi niên đại Chính Hoà 22 (năm 1701) và bài minh trên chuông chùa, thì chùa được xây sớm nhất là vào thế kỷ XVII. Suy luận từ việc chùa đã nhiều lần được trùng tu, cũng như các đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX có trên kiến trúc và hệ thống tượng gỗ còn lại thì phải là cuối thời Lê hoặc muộn nhất là đầu thời Nguyễn.

Sân chùa Quan Nhân. Photo ©NCCong 2018

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khu vực đình chùa Quan Nhân là một cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh. Sau ngày 19-12-1946 dân làng và các vị sư tu hành ở đây đã tích cực đóng góp công của, sức lực hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Hồ chủ tịch. Ngày 24-2-1949, ni sư Thích Đàm Tỵ hy sinh tại chùa, về sau được truy tặng bằng “Tổ Quốc ghi công”.

Năm 2002, chùa Quan Nhân được UBND TP Hà Nội công nhận Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật. Năm 2005, chùa được gắn biển Di tích Cách mạng - Kháng chiến. Ngày 01-9-2010, chùa lại được gắn biển ghi nhận “Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.

Kiến trúc

Năm 1990, dân làng cùng nhà chùa xây dựng cổng tam quan, đến năm 2000 hoàn tất tam bảo, sân gạch, tường bao và khu phụ. Năm 2004, nhà chùa cho tôn tạo lại khu vực nhà Tổ và trai đường với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Dân làng còn cung tiến nhiều hiện vật như cột, y môn, cửa võng v.v… cho nên nhà chùa đã tiếp tục dựng bia công đức và thờ Hậu.

Lầu Quan Âm chùa Quan Nhân. Photo ©NCCong 2018

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chùa Quan Nhân tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân quận Thanh Xuân thông qua thiết kế quy hoạch tổng thể và đầu tư tôn tạo. Diện tích mặt bằng kiến trúc trong khuôn viên chùa là 1.930m2, chia làm 2 khu vực lớn (1.804m2) và nhỏ (126m2). Các hạng mục công trình chính gồm có: tam quan, sân vườn, tam bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà khách, tăng phòng, và tường bao xung quanh.

Di tích lân cận

635 chua Quan Nhan ©NCCông 2015-2020