638 Nhat Tru pagoda
Chùa Nhất Trụ (Hoa Lư)
sông ĐáyNinh BìnhTiền LêChùa Nhất Trụ có từ thế kỷ X, về sau từng là một sơn môn dòng Tào Động. Tên chữ: Nhất Trụ Tự 壹 住 寺, còn gọi “Kim Liên Tự”. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1998). Vị trí: 7WQ5+44, thôn Yên Thành, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Cách Ga Hà Nội: 91 km (hướng 6 h).
Lược sử
Chùa Nhất Trụ tọa lạc tại thôn Yên Thành, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, rất gần đền thờ công chúa Phất Kim và cách đền vua Lê Đại Hành chỉ chừng 200m. Phía đông nam chùa là sông Sào Khê, phía tây nam là cố đô Hoa Lư. Phía bên phải sân chùa có một trụ đá chu vi khoảng 220cm, nặng 4,5 tấn. Trụ cao chừng 415cm với phần đế dày 35cm, thân trụ 285cm, đĩa đệm 15cm, đài hoa 25cm và nụ sen 55cm được gắn chặt với nhau chỉ bằng “mộng”. Tám mặt thân trụ có khắc khoảng 2500 chữ được chép từ sách kinh Phật, gồm bài kinh Lăng Nghiêm, do vậy có tên “trụ kinh Phật” hoặc “trụ kinh Lăng Nghiêm”.
Trên trụ có dòng chữ Hán: “Đại Thắng Minh hoàng đế Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai” (Vua Lê là Đại thánh Minh Hoàng đế từ khi vâng mệnh trời định yên non sông đến nay đã 16 năm). Vậy cột “Kinh Lăng Nghiêm” được dựng vào đời vua Lê Hoàn thứ 16 (995), không lâu sau khi cột kinh Đại Tạng xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 971 và Nam Việt Vương Đinh Liễn cho dựng 100 cột kinh nhỏ tại Hoa Lư năm 973.
- Chùa Nhất Trụ. Photo ©NCCong 2023
Dân sở tại thường gọi là “chùa Một Cột” thay cho tên chữ “Nhất Trụ Tự”. Tương truyền mẹ của Lê Hoàn mơ thấy hoa sen nở trong bụng rồi mang thai, sau sinh ra đức vua. Bông hoa sen đã trở thành biểu tượng của nhà Tiền Lê và chùa còn có tên chữ khác là “Kim Liên Tự”. Hoa sen cũng được nhắc đến trong đôi câu đối chữ Hán ở đền Hạ. [1]
Thuyết khác kể: Bình Tống phạt Chiêm xong, vào đầu xuân Đinh Hợi năm Thiên Phúc thứ 8 (987) vua Lê Hoàn đích thân cày ruộng “Tịch Điền” để răn dân chăm chỉ và lấy nghề nông làm gốc. Khi vua cày ở chân núi Đọi [2] có bắt được hũ vàng, cày ruộng ở chân núi Bàn Hải lại được hũ bạc, nhân đó mà đặt tên là ruộng Kim và ruộng Ngân (ruộng Vàng, ruộng Bạc). Về sau vua sinh được hai người con gái, đặt tên là: Phất Kim [3] 茀 金 và Phất Ngân 茀 銀, nghĩa là có phúc được vàng, bạc. Lớn lên công chúa Phất Ngân lấy Lý Công Uẩn, còn Phất Kim đi tu thì được xây một ngôi chùa ở gần cung vua để trụ trì. Vua lại cho dựng một trụ đá có khắc các bài kinh Phật, trên ngọn là đài hoa và nụ sen chưa nở, ngụ ý người trinh nữ bước vào cửa Phật. Trụ đặt ở bên phải, báo hiệu nơi đây có phụ nữ tu hành.
- Cổng chùa Nhất Trụ. Photo ©NCCong 2023
Chùa Nhất Trụ nằm ở trung tâm Thành Đông, là một nơi tu tập và họp bàn việc nước của các vị sư—chính khách đương thời như Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh. Năm 1010, Lý Thái Tổ và thân hữu mộ đạo dời Hoa Lư ra Đại La song có lẽ do nặng tình với cố đô nên vẫn dùng một số địa danh cũ để đặt tên cho các kiến trúc mới tại Thăng Long như: Cửa Đông, Cửa Nam, Cửa Bắc, Cầu Đông, Chợ Dền, chùa Kim Liên... Năm 1049 vua Lý Thái Tông cho xây thêm một ngôi chùa hình hoa sen bên hồ nước và đặt tên “Diên Hựu Tự”, cũng được dân kinh kỳ gọi là chùa Một Cột cho đến tận ngày nay.
Kiến trúc
Chùa “Nhất Trụ” quay hướng tây, khuôn viên rộng 3651m2, có tường bao. Phía trên cổng giữa có đề hai chữ Vân Tường 雲 祥 nghĩa là mây báo điềm lành. Hai bên có đôi câu đối: Trường an thắng cảnh hoàng đô thủy 長 安 勝 景 皇 都 始 / Nhất trụ danh lam phật tich linh 壹 住 名 籃 佛 跡 靈. Tạm dịch: Thắng cảnh Trường Yên bắt nguồn từ kinh đô / Danh lam Một Cột linh thiêng nhờ tích Phật.
- Trụ kinh Lăng Nghiêm. Photo ©NCCong 2023
Phía trên cổng bên trái có đề hai chữ Khí Thụy 氣 瑞 nghĩa là khí vận tốt đẹp. Hai bên có đôi câu đối: Linh địa lâu đài tăng tráng lệ 靈 地 樓 臺 增 壯 麗 / Thiền thiên Phật pháp ánh thiên thu 禪 天 佛 法 暎 千 秋. Tạm dịch: Cung điện đất thiêng thêm lộng lẫy / Phép Phật trời Thiền chiếu ngàn năm.
Trước chùa còn có đôi câu đối ở hai bên: Ức niên Phật tự Kim Liên điện 億 年 佛 寺 金 蓮 奠 / Vạn cổ thần kinh thạch trụ tiêu 萬 古 神 京 石 拄 標. Tạm dịch nghĩa là: Sen vàng chùa Phật triệu năm tế lễ / Trụ đá kinh đô muôn đời làm nêu.
Sau tam quan là sân gạch rồi đến toà tiền đường 5 gian, kết nối với hậu cung 4 gian theo hình chuôi vồ. Bộ mái không uốn cong như thường thấy và chiếm đến 2/3 công trình, trên lợp ngói ri không mấu, mũi tròn, dưới lót bằng ngói chiếu. Bên trong chùa là các cây cột, vì, kèo, xà ngang, xà dọc đều bằng gỗ lim. Ngoài ra phía sau còn có các ban thờ Địa Tạng Vương, thờ Tổ và thờ Mẫu.
- Lầu cột kinh chùa Nhất Trụ. Photo ©NCCong 2023
Di sản
Hàng năm dân sở tại tổ chức lễ hội chùa Nhất Trụ vào ngày Rằm tháng Giêng. Đó là Lễ khao tống thuyền rồng, tức lễ cúng Phật và cầu quốc thái dân an, nổi tiếng ở Ninh Bình. Ngày 8 tháng Tư nhà chùa làm lễ Lập Hạ. Ngày 15 tháng Tư thì làm lễ Phật đản. Năm 1998 chùa “Nhất Trụ”đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia. Riêng cột kinh đến năm 2015 lại được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Địch Lộng
- Chùa Đồng Đắc
- Chùa Nhất Trụ (Hoa Lư)
- Chùa Phúc Nhạc
- Chùa Yên Bình
- Chùa Bích Động
- Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
- Lăng Định quốc công Nguyễn Bặc
- Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long
Chú thích
[1] Dân gọi đền Đinh Tiên Hoàng là đền Thượng, đền Lê Đại Hành là đền Hạ. Câu đối như sau: 一 夢 漣 花 生 萭 古 / 半 夜 黃 龍 擁 億 年
Nhất mộng Liên Hoa sinh vạn cổ / Bán dạ Hoàng Long ủng ức niên
Tạm dịch: Một giấc hoa sen nở [lưu danh] muôn đời / Nửa đêm rồng vàng phủ [tôn thờ] triệu năm.
[2] Núi Đọi và núi Bàn Hải nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
[3] Có tài liệu viết con gái của Đinh Tiên Hoàng cũng tên là “Phất Kim” và con gái của Lý Thái Tổ tên là “Phật Kim”.
638 chua Nhat Tru ©NCCông 2017-2018