646 Le Thach street
Phố Lê Thạch
Phố Lê Thạch dài 234 m, đi từ phố Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng. Nay thuộc phường Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2,4 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Bưu điện Hà Nội, hoặc 51 Lý Thái Tổ.
Lược sử
Phố được thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên Lê Thạch từ mùa hè năm 1945, trước đó người Pháp gọi là Avenue Chavassieux. Phố rộng 8 m, dài 234 m, không có nhà dân, phía tây giáp phố Đinh Tiên Hoàng, phía đông giáp vườn hoa Con Cóc, phía bắc giáp vườn hoa Chí Linh và tượng đài vua Lý Thái Tổ.
Trên phố có cổng phụ của trụ sở Bưu điện Hà Nội và cổng hậu của Nhà khách Chính phủ. Nhà khách Chính phủ có cổng chính mở ra vườn hoa Con Cóc, đó là Bắc bộ phủ hay phủ Thống sứ cũ, nơi mà ngày 19-8-1945 lực lượng vũ trang Việt Minh và nhân dân Hà Nội đã tiến vào giành chính quyền.
- Tượng đài vua Lý Thái Tổ
Phố Lê Thạch nằm trên đất thôn Hạ Hà, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ của thời Lê. Tới giữa thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn sáp nhập thôn này với thôn Hậu Bi thành thôn Hà Thanh, tổng Đông Thọ.
Đến thời Pháp thuộc, khu phố được xây dựng theo mô hình đô thị Tây phương với các trụ sở đồ sộ ở xung quanh, đến nay còn để lại nguyên vẹn phần lớn kiến trúc cũ tại các toà nhà như Bưu điện Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Sở Ngoại vụ Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, v.v..
- Nhà Bát giác
Nhân vật
Phố mang tên vị anh hùng trẻ tuổi Lê Thạch, người sinh ra và lớn lên tại vùng Lam Sơn (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Cha của ngài là Lê Học, anh ruột của Lê Lợi. Năm 1418, Lê Lợi đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống nhà Minh, Lê Thạch thường làm tiên phong, đã từng thắng viên tướng giặc là Mã Kỳ khi tên này tấn công Nga Lạc (nay thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).
Cuối năm 1421, khi Lê Lợi đang đánh nhau với giặc ở sách Ba Lẫm (nay là vùng Chiềng Lẫm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) thì tù trưởng Ai Lao là Mãn Sát đem binh đến, nói dối là cứu viện nhưng kỳ thực lại đánh lén nghĩa quân. Lê Lợi cử Lê Thạch ra chống cự lại Mãn Sát. Trong khi giao chiến, ngài bị thương nặng và hy sinh, về sau được nhân dân nhiều nơi tôn thờ như một vị thần.
- Tòa nhà Bưu điện ở góc phố Lê Thạch - Đinh Tiên Hoàng
Di tích lân cận
Ngoài Hồ Gươm xanh tươi bốn mùa với Tháp Rùa và Tháp Hòa Phong, ngay tại phố Lê Thạch và gần đó còn có những điểm hấp dẫn du khách yêu mến kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như:
- Bưu điện Hà Nội: số 75 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Khách sạn Metropole Hanoi: số 15 phố Ngô Quyền.
- Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam: số 49 phố Lý Thái Tổ.
- Nhà khách Chính phủ: số 12 phố Ngô Quyền.
- Sở ngoại vụ Hà Nội: số 10 phố Lê Lai.
- Vườn hoa Con Cóc: đối diện số 51 phố Lý Thái Tổ.
646, pho Le Thach ©NCCông 2013-2020