647 Tong Duy Tan street
Phố Tống Duy Tân
Phố Tống Duy Tân dài 200m từ phố Trần Phú đến đường Điện Biên Phủ. Tên cũ: phố Kỳ Đồng. Nay thuộc: phường Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 1km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 12A Điện Biên Phủ (xe 02, 09a, 09act, 32, 34, 45, CNG03), 7 Nguyễn Thái Học (02, 23, 34, 45), 167 Phùng Hưng (18, 23).
Thời Nguyễn, đây là con đường chạy bên mang cá Cửa đông-nam của toà thành Hà Nội xây theo kiểu Vauban. Mùa hè 1945 đường này được đặt tên Bùi Bá Ký, sang thời Pháp tái chiếm đổi là phố Kỳ Đồng. Tên Tống Duy Tân có từ năm 1964.
Tống Duy Tân
Tống Duy Tân 宋 維 新 (1837-1892) là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng. Ông người làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa; đỗ tiến sĩ năm 1875, từng làm Án sát Sơn Tây. Tháng 7-1885, ông được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ Sơn phòng Quảng Hóa. Năm 1886, ông tham gia xây dựng các căn cứ Ba Đình, Phi Lai ở tỉnh nhà.
Đầu 1887, quân Pháp tiến đánh dữ dội rồi chiếm được căn cứ Ba Đình và Mã Cao, các thủ lĩnh lần lượt hy sinh, tự sát, hoặc đi tìm phương kế khác. Tống Duy Tân mang quân chạy lên Hùng Lĩnh, nhưng chỉ mở được vài trận tập kích thì bị thiếu tá Térillon dẫn lính đến vây. Tống Duy Tân bèn vượt sang Trung Quốc để gặp gỡ, tìm hỗ trợ và liên kết với các lực lượng chống Pháp khác.
- Tống Duy Tân trong trang phục tiến sĩ
Ông đã nghe theo lời Tôn Thất Thuyết đang lưu vong tại Quảng Đông để trở về tiếp tục kháng chiến. Đầu 1889, ông trở thành người chỉ huy chính của phong trào Cần Vương ở thượng nguồn sông Mã và trong 3 năm đã đánh thắng một số trận nhỏ. Do cuộc bao vây và càn quét ngày càng ác liệt của Pháp, đến tháng 9-1892, ông tuyên bố giải tán lực lượng rồi về ẩn náu ở hang Niên Kỷ, thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, còn thuộc hạ đi theo thì đóng trên đồi gần bên.
Án sát Hà Tĩnh (học trò cũ và cháu kêu ông bằng cậu) là Cao Ngọc Lễ đi báo cho Pháp đến vây bắt được ông ngày 4-10-1892. Không chiêu hàng được, Công sứ Pháp Boulloche ra lệnh cho Tổng đốc Thanh Hóa là Nguyễn Thuật (bạn cũ của Tống Duy Tân) xử tử ông ngày 23-11-1892 tại thị xã Thanh Hoá. Ngày nay, nhiều trường học và đường phố ở Việt Nam đã được mang tên ông.
Kỳ Đồng
Ông tên thật Nguyễn Văn Cẩm 阮 文 錦 sinh năm 1875, quê làng Ngọc Đình, tổng Hạ Lý, huyện Duyên Hà, tỉnh Hưng Yên cũ (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Cẩm từ nhỏ đã thông minh và có trí nhớ kỳ lạ, lại được dạy dỗ bởi người cha là một nhà nho. Tuy có tiếp xúc cha xứ nhưng cậu không theo đạo Thiên chúa.
- Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (rìa phải)
Mới 8 tuổi, cậu được cha dẫn đi dự khảo thí chuẩn bị cho kỳ thi hương năm 1882 tại trường Nam Định và đoạt loại ưu. Quan đốc học trình tấu về triều, vua Tự Đức ban chỉ dụ khen thưởng, cấp tiền gạo ăn học. Tương truyền tên Kỳ Đồng 奇 童 (Đứa trẻ lạ) là do vua ban cho cùng với câu: "Tên này còn ít tuổi, chưa thể dùng được, nay giao tỉnh thần Hưng Yên dạy bảo, để khi lớn lên, nhà nước sẽ dùng."
Năm 1887, đông đảo dân vùng Sơn Nam tin Kỳ Đồng là hậu thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mong lập thủ lĩnh chống Pháp mới, họ tổ chức rước kiệu đưa cậu bé 13 tuổi tiến về Nam Định. Công sứ Pháp là Brière ra lệnh nổ súng thị uy, bắt bớ nhiều người. Pháp đày họ ra Côn Đảo và riêng Kỳ Đồng sang Alger (sau là thủ đô nước Algeria). Tại Alger, ông học trường trung học Louis Legrand trong 9 năm và có quen đức vua Hàm Nghi (1872-1943) bị đi đày năm 1889.
Kỳ Đồng về nước năm 1896. Lúc đó có phong trào chống Pháp do Mạc Đình Phúc tức Khóa Trình lãnh đạo và họ muốn Kỳ Đồng 22 tuổi làm "Quốc sư". Bác sĩ Gilard mời ông hợp tác mở đồn điền ở Chợ Kỳ, huyện Yên Thế, Bắc Giang. Ông biết bị theo dõi chặt chẽ nên chấp nhận nhưng liên lạc với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.
Thiếu tá Péroz mật báo với Toàn quyền Paul Doumer, họ bắt ông đem về Hải Phòng rồi đày sang Tahiti năm 1898. Năm 1901 họ chuyển ông đến quần đảo Marquises ở Nam Thái Bình Dương. Tại đây Kỳ Đồng kết hôn với Punu ura a Tamihau —một phụ nữ giàu đẹp người địa phương— và giao du với danh họa Pháp Paul Gauguin rồi trở thành bạn. Ông mất tại đảo Papeete năm 1929, thọ 55 tuổi. Về sau, một số đường phố ở Việt Nam đã được mang tên ông.
- Phố Tống Duy Tân. Photo ©NCCong 2015
Phố ẩm thực
Khách đi qua trung tâm Hà Nội muốn nếm thử các món đặc sản trong nước và quốc tế mà không tốn nhiều thời gian thì chỉ cần hỏi đường đến phố ẩm thực là sẽ được phục vụ 24/24h. Gọi là phố ẩm thực nhưng thực ra đó là cả một khu hàng quán với thực đơn phong phú gồm hai phố Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ, được hình thành chính thức vào năm 2002. Nhà cửa của đa số người sống ở xung quanh khá chật chội nên đến đây ăn sáng và ăn đêm cũng là một thú vui, nhất là vào mùa nóng nực.
Di tích lân cận
- Bảo tàng LS Quân sự Việt Nam: Số 28A đường Điện Biên Phủ.
- Chùa Quán Sứ: Số 73 phố Quán Sứ.
- Chùa Thiên Phúc: Số 94 phố Hai Bà Trưng.
- Đền Thiên Tiên: Số 120 phố Hàng Bông.
- Đình Yên Thái: Ngõ Tạm Thương.
- Lầu Vọng Tiên: Số 120b phố Hàng Bông.
©NCCông 2015-2020, Tong Duy Tan street