651 Nga My Ha community hall

Đình Nga My Hạ

sông Đáyh.Thanh Oainhà Đinh

Đình Nga My Hạ có từ thế kỷ XVII. Thờ thành hoàng: Hà Khôi đại vương. Lễ hội: 15-11 âm lịch. Vị trí: VP6W+MH, xã Thanh Mai, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 26km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: SVĐ Thanh Oai trên quốc lộ QL21B (xe 78, 91, 94, 103A, 103B).

Lược sử

Làng Mai tên chữ Nga My, xưa kia là một làng lớn, đến khoảng giữa thế kỷ XVI chia thành hai làng Thượng và Hạ với đình chùa riêng, thành hoàng riêng, tổ chức lễ hội riêng. Tuy nhiên cả hai vẫn nằm trong xã Nga My nay là xã Thanh Mai, thuộc huyện Thanh Oai. Từ lâu 2 làng này đã kết chạ với làng Vạn Phúc thuộc huyện Thanh Trì. Hiện vẫn còn lưu văn bản về việc dân Vạn Phúc giúp dân Nga My Hạ sửa đình vào năm Thành Thái 3 (Tân Mão, 1891).

Cổng đình Nga My Hạ

Đình Nga My Hạ toạ lạc ở phía tây-nam của làng Mai, ven đê sông Đáy. Văn bia còn lưu cho biết, ngôi đình được dựng vào thời Lê và đại trùng tu hồi đầu thế kỷ XX. Đình thờ Hà Khôi đại vương là người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc cát cứ ở vùng Đỗ Động, Bình Đà, Văn Quán. Tương truyền khi dẫn quân qua đây, Đinh Bộ Lĩnh đã đóng trại trên đất làng Mai, đêm nằm mơ thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, quần áo chỉnh tề đến chỉ cho cách thắng trận. Vua tỉnh dậy biết là thần, vội bái tạ.

Những địa danh cũ đến nay vẫn còn nguyên như: chợ Mai, bến Mai, trại Mai. Trại Mai xưa là nơi quân Đinh Bộ Lĩnh tập kết, bây giờ là doanh trại của trường dự bị bay thuộc không quân. Nghe nói đất ở đây rất thiêng vì trước khi qua đời nhà tâm linh Nguyễn Đức Cần đã chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng.

Kiến trúc

Du khách từ trên đê cao có thể nhìn thấy rõ đình Nga My Hạ quay mặt đón gió đông-nam. Phía trước có hồ bán nguyệt nhỏ với các hình rồng và cóc là biểu tượng của nền văn minh lúa nước.

Sân đình Nga My Hạ. Ảnh: NCCong ©2020

Nghi môn gồm 3 cửa chính-phụ với 4 trụ biểu nằm ở bên tả sân đình, hướng sang phía chùa và đường làng. Trong sân có toà phương đình kiểu 2 tầng 8 mái với các mảng chạm khắc gỗ. Dưới gốc muỗm cổ thụ là nhà tả vu nơi quy tập nhiều tấm bia đá. Toà đại bái 3 gian 2 dĩ, kết nối với toà thiêu hương và hậu cung theo lối truyền thống.

Di sản

Tương truyền một lần hoàng tử con vua Đinh về Hội làng Mai, tình cờ nhặt được một chiếc hài gấm rất đẹp. Hoàng tử lần theo dấu vết tìm được người con gái đánh rơi hài, cho là duyên kỳ ngộ bèn cưới làm phi. Theo lệ xưa, các bà người làng Mai khi làm lễ dâng rượu, dâng hương lên Đinh Tiên Hoàng đều đội khăn xếp màu vàng, mặc áo lụa vàng, chân đi hài gấm. Rượu dâng lên rất ngon, gọi là rượu "Tiến Vua". Đinh Tiên Hoàng xuống chiếu để dân làng được nấu rượu này, triều đình không trả tiền nhưng cho miễn thuế ruộng nếp.

Bia đình Nga My Hạ. Ảnh: NCCong ©2020

Hằng năm vào dịp rằm tháng 11 âm lịch nhân dân sở tại lại nô nức tham gia lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng. Làng Mai tổ chức ngày khai hội và ngày rã đám, còn lại mỗi xóm đảm đương một ngày. Trong dịp đó luôn có múa lân là một tiết mục truyền thống của Nga My Hạ.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2020, Nga My Ha community hall