652 Vo Vi pagoda
Chùa Vô Vi
h.Chương Mỹsông ĐáyLê trung hưngChùa Vô Vi có từ thế kỷ XVI. Xếp hạng: Di tích quốc gia. Vị trí: WMRR+WX, xã Phụng Châu, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 23km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Huyện ủy Chương Mỹ trên quốc lộ QL6 (xe 37, 57, 72), Đd trường THCS Cộng Hòa trên đường DT72 (xe 77, 89).
- Cổng chùa Vô Vi. Ảnh NCCong ©2020
Từ vành đai nội thành Hà Nội, du khách có thể lên các xe bus số 57, 72 và xuống ở điểm dừng “Huyện ủy Chương Mỹ” trên quốc lộ QL6, sau đó rẽ phải vào đường nhỏ rồi đi chừng 2km thì đến núi Trầm. Ngoài ra nếu đi xe bus số 77, 89 theo đường DT72 và xuống ở điểm dừng “Đd trường THCS Cộng Hòa” rồi rẽ trái vào đường DT419 đi chừng 6km thì cũng đến.
Giới thiệu
Ngôi chùa Vô Vi toạ lạc trên một ngọn núi nhỏ cũng tên Vô Vi, chỉ cách chùa Trầm vài trăm bước về phía bắc. Vào thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp hết các sứ quân khác, tự xưng hoàng đế và thiết lập nền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt. Tương truyền sau khi đất nước trở lại thanh bình, có vị đạo sĩ mai danh ẩn tích đã đến đây dựng lên một Đạo quán nhỏ để luyện phép trường sinh.
- Bia đề thơ, chùa Vô Vi. Ảnh NCCong ©2020
Ngày nay leo lên con đường gập ghềnh bậc đá đến chiếu nghỉ thứ hai du khách sẽ thấy ở phía bên tay trái một ngôi tháp mộ và một tấm bia lớn, trên bia có khắc bài thơ viết bằng chữ Nôm nhan đề là “Trùng phảng Vô Vi Tự” (Thăm lại chùa Vô Vi) của nhà sư Trần Văn Tăng.[1]
- Mái chùa trên núi Vô Vi. Ảnh NCCong ©2020
Năm 1509, quần thần nhà Lê Sơ giết ông vua Uy Mục hoang dâm và đưa Tương Dực (cháu nội Lê Thánh Tông) lên thay. Vua mới mau chóng sa đọa như Uy Mục, sai Vũ Như Tô xây dựng cung điện xa hoa gồm 100 mái ngói và Cửu Trùng đài cùng nhiều toà nhà lớn. Khắp nơi nổi dậy, hết Trần Tuân lại đến Trần Cảo tự xưng hậu duệ nhà Trần. Năm 1516, Tương Dực bị quần thần giết khi vừa 20 tuổi và thay bằng Lê Chiêu Tông.
Trần Văn Tăng vốn là một vị tướng chán triều đình loạn lạc bèn xuất gia và năm Ất Hợi niên hiệu Hồng Thuận 洪 順 thứ 6 (1515) đã xây dựng ngôi chùa Vô Vi ở nơi núi cao vắng vẻ để tu hành theo Phật.
Kiến trúc và di vật
Trên chiếu nghỉ thứ nhất ngay sau cổng vào chùa Vô Vi có một toà tiền đường ở bên tay phải du khách và nhà thờ Mẫu ở bên trái. Ngôi chùa trên có lối lên bằng những bậc đá bên cạnh vách núi và núp dưới bóng các cây cổ thụ rễ rủ xuống tận đất. Chùa chính rất nhỏ, diện tích chỉ khoảng 10m2, nằm cheo leo trên mỏm núi có độ cao khoảng 20m so với con đường liên xã đi qua chân núi.
- Chính điện chùa Vô Vi. Ảnh NCCong ©2020
Bên trong chùa trên tuy vậy cũng chia làm 3 gian hẹp, bày đủ các pho tượng chính của Phật giáo Bắc tông, Cuối gian bên trái có cửa ngách đưa du khách lên một phương đình nhỏ có tên là Nghinh Phong Các (lầu đón gió). Tất cả các cột trong chùa trên và lầu đón gió đều bằng đá, ngưỡng cửa cũng bằng đá. Đứng ở lầu Nghinh Phong du khách có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vùng núi Trầm Tử Sơn với các cánh đồng làng quê trù phú và thanh bình ven sông Đáy.
Trong chùa Vô Vi hiện còn một quả chuông đồng được đúc năm 1814 dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn.
Di tích lân cận
- Chùa Cao: làng Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.
- Chùa Trăm Gian: thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ.
- Chùa Trầm: thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.
- Đình Ninh Sơn: làng Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.
- Đình Phương Quan: thôn Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.
- Đình So: làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.
[1] (Sơn động chi bằng Vô Vi phật tự
Thùy kỳ tạo chi, thiền sư đạo sĩ)
Bên này Thiên Trúc nọ Bồng Lai
Đem cảnh thanh u đặt giữa trời
Trang điểm đã nhờ ơn đạo sĩ
Độ trì còn đội Đức Như Lai
Mượn nền đá phẳng đề dăm vận
Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi
Cảnh vị mến người, người lại lại
Đã vô vi khéo cũng lôi thôi.
©NCCông 2019-2020, Vo Vi pagoda