654 Kim Co pagoda

Chùa Kim Cổ

q.Hoàn Kiếmđạo quánỶ Lan

Chùa Kim Cổ có từ thế kỷ XIX. Tên chữ: Kim Cổ Cổ Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: số 73 Đường Thành, 2RJW+7X, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,1 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: 30 Đường Thành, hoặc 67 Phùng Hưng.

Lược sử

Cuối phố Đường Thành có một ngôi chùa mang số 73. Chùa vốn thuộc thôn Kim Bát, sau đổi thành thôn Kim Cổ, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long. Tương truyền vua Lý Thánh Tông (1023-1072) đã cho xây một cung thất nhỏ tại đây cho nguyên phi Ỷ Lan (?-1117) trước khi bà chính thức lên vị trí hoàng hậu. Nguyên phi đã lập trong cung này một nơi để thờ Tam Thanh, gọi là quán Đồng Thiên.

Ngày nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn lưu lại không ít di tích như thế và nổi tiếng nhất nội thành là “Thăng Long tứ quán” [1]. Quán là nơi tu hành của đạo sĩ tức những người theo Đạo giáo, học phép tu tiên và luyện đan để đạt trường sinh bất lão. Đạo này còn gọi là đạo Lão, du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, được chuộng vào thời Lê sơ và thời Mạc. Đến thời Lê Trung hưng thì đạo Lão suy tàn, dần dần hầu hết các quán chuyển thành chùa Phật giáo.

Cổng chùa Kim Cổ ©NCCong 2015

Đến đầu thời Tây Sơn, quán Đồng Thiên được dời sang thôn Yên Thái. Trên nền cũ, dân làng Kim Cổ đã dựng một đền thờ hoàng thái hậu Ỷ Lan. Rồi đền thờ tượng Phật vào thời Nguyễn. Trên tấm bia đá “Kim Cổ thôn bi ký” dựng năm Tự Đức 13 (1860) đốc học Thanh Hóa là tiến sĩ Lê Duy Trung đã ghi lại quá trình xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích, tạm dịch như sau: “…Triều vua ta dấy vận lệ thờ cúng đổi mới vạn vật trong sáng ngày càng thêm thịnh đẹp. Việc thờ cúng đế vương các đời, cờ quạt, đồ thờ đều có quy định. Nhà tế không rộng thì sao xứng với nơi tráng lệ của các vua chúa, quy mô có thể mở rộng nhưng ngặt vì tiền nong, vật dụng thiếu thốn. Nguyên Bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang thăng chức Lại bộ Thị lang Bùi Thương Hán là người làm quan hiển đạt ở thôn Kim Cổ ta bỏ ra 100 lạng bạc, công viên bèn thành. Năm Tự Đức Kỷ Mùi, tháng Mạnh Đông khởi công, đến tháng Quý Đông thì làm xong”.

Năm 1996, chùa Kim Cổ đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Tiền đường chùa Kim Cổ ©NCCong 2019

Kiến trúc và di vật

Ngôi chùa Kim Cổ trước đây vào thế kỷ XIX có quy mô lớn với mặt bằng kiến trúc hình “chữ Tam”. Sau khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, lập quy hoạch thành phố và mở rộng khu vực thương mại thì chùa cũ bị phá dỡ, dân làng đã sửa lại với diện tích bị thu hẹp hơn nhiều. Cổng chùa xây 2 tầng 8 mái với các góc đao cong ngược lên, cổ diêm đắp nổi 4 chữ Hán “Kim Cổ cổ tự", mái đắp giả ngói ống.

Cuối thế kỷ XX, chùa từng bị dân ngụ cư lấn chiếm. Mãi đến năm 2011, nhà chùa mới giải phóng được mặt bằng và cho trùng tu khang trang. Ngôi chùa vẫn giữ theo kiểu hình “chữ Đinh” với phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tiền đường 3 gian, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, mặt nhìn về phía đông nam qua sân nhỏ, cổng ở bên hữu mở ra phố Đường Thành.

Hậu cung cũng xây ba gian, nối liền với tiền đường bằng hai cửa nách nhỏ hai bên. Gian giữa thờ hoàng thái hậu Ỷ Lan và hai thị nữ. Hai gian bên thờ Bà chúa Sơn trang cùng các cô Chầu.

Phật điện chùa Kim Cổ ©NCCong 2015

Nhà chùa còn lưu giữ một pho tượng hoàng thái hậu Ỷ Lan ngồi trong khám thờ, 01 tượng Thánh Mẫu, 01 tượng Chầu, 08 tượng Phật, 03 tấm bia đá và 1 quả chuông đồng đều là tạo tác thời Nguyễn; lại có 02 hạc thờ trên lưng rùa, 01 bức cửa võng, 01 bức cuốn thư chạm rồng chầu mặt trời, 03 bức hoành phi, 02 đôi câu đối...

Di tích lân cận

654 chua Kim Co ©NCCong 2015


[1] “Thăng Long tứ quán” là bốn quán đạo Lão của thành Thăng Long xưa, gồm: 1) Trấn Vũ Quán, nay là đền Quán Thánh ở đường Thanh Niên; 2) Đế Thích Quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên; 3) Huyền Thiên Cổ Quán, nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai; 4) Đồng Thiên Quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành.