655 Dai Cat pagoda
Chùa Đại Cát (Sùng Khang Tự)
q.Bắc Từ LiêmLê trung hưngsông HồngChùa Đại Cát có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Sùng Khang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: phố Sùng Khang, 3PJR+73, Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 16 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: ngã ba Kỳ Vũ - Tây Tựu.
Lược sử
Làng Đại Cát xưa có tên Hạ Cát, dân gian kể rằng tên đó liên quan đến sự kiện năm 577 Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử phải nghị hoà sau khi giao chiến bất phân thắng bại. Họ đã lấy “Quân Thần châu” (bãi Vua-Tôi) làm mốc vạch ranh giới chia đôi đất nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế để lại. Phía đông gọi là Hạ Cát, thuộc Triệu Quang Phục. Phía tây đường này gọi là Thượng Cát, thuộc quyền cai quản của Lý Phật Tử.[1]
Đến đời Tây Sơn, làng Hạ Cát đổi tên thành Đại Cát thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 13 (1831) làng thuộc tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Năm 1905, làng thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1948, Đại Cát sáp nhập với Thượng Cát và Đông Ba thành liên xã Tân Dân thuộc huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông. Năm 1961, xã Tân Dân thuộc huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; đến năm 1964 đổi tên thành xã Liên Mạc.
- Chiêng chùa Đại Cát. Photo NCCong ©2019
Tháng 12 năm 2013, xã Liên Mạc trở thành phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Phường này nằm dọc theo bờ nam sông Hồng, được giới hạn bởi đường DT70a và sông Nhuệ, bao gồm các tổ dân phố: Đại Cát 1, Đại Cát 2, Đại Cát 3, Yên Nội 1, Yên Nội 2, Yên Nội 3, Hoàng Liên 1, Hoàng Liên 2, Hoàng Liên 3 và Hoàng Xá.
Chùa làng Đại Cát có từ thế kỷ XVIII, tên chữ là Sùng Khang Tự. Vì thế khi đô thị hoá thì con đường làng đi qua bên trái khu chùa được đặt tên là phố Sùng Khang.
Ngày 31-1-1992, chùa Sùng Khang Tự [và đình] làng Đại Cát được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Phật điện chùa Đại Cát. Photo NCCong ©2019
Kiến trúc và di vật
Chùa Sùng Khang nằm sát cạnh đình Đại Cát trên một khoảnh đất cao ráo, rộng rãi, gần cánh đồng hoa của hai làng Tây Tựu và Yên Nội. Tam quan của chùa cũng như cổng nghi môn của đình đều nhìn về phía tây. Hai di tích còn có cổng ngách ăn thông ra con ngõ chung ở giữa. Bên tả chùa là đình, bên hữu là vườn cây ăn quả với nhiều ngôi tháp mộ. Sau đợt trùng tu đầu thế kỷ XXI diện tích xây dựng trong khuôn viên chùa đã tăng đáng kể.
Du khách bước qua tam quan sẽ thấy một sân gạch dài dẫn đến toà tiền đường 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc và kết nối với thượng điện theo hình chuôi vồ. Phía sau thượng điện là sân hậu, ở giữa có gác chuông với một quả đại hồng chung được đúc năm Mậu Ngọ. Cuối sân là nhà Tổ, nhà khách và nhà Mẫu, nhà Ni. Trong chùa hiện còn giữ được nhiều di vật đồ gỗ chạm khắc có giá trị nghệ thuật, ngoài ra lại có một bia đá dựng năm Ất Hợi đời Lê Cảnh Hưng (1789) và hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông khá đầy đủ.
- Nhà tổ chùa Đại Cát. Photo NCCong ©2019
Di tích lân cận
- Chùa Đông Ba: 3PWJ+WM, phường Thượng Cát.
- Chùa Kỳ Vũ: phố Châu Đài, phường Thượng Cát.
- Đình Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Đình Đông Ba: 3PWJ+WM, phường Thượng Cát.
- Đình Thượng Cát: phố Châu Đài, phường Thượng Cát.
- Đình, chùa Yên Nội: phố Yên Nội, phường Liên Mạc.
- Miếu Thượng: phố Tây Đam, phường Tây Tựu.
Chú thích
[1] Ranh giới đó gần trùng với đoạn đường DT70a hiện nay đi từ đê Thượng Cát xuống vùng Văn Điển. Tương truyền Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của Triệu Quang Phục là Cảo Nương, hai nhà kết thành thông gia. Vì yêu quý Cảo Nương nên Triệu Quang Phục cho Nhã Lang ở rể. Sau Nhã Lang biết được bí mật về quân sự của bố vợ bèn báo lại cho Lý Phật Tử mang quân đánh úp. Triệu Quang Phục cưỡi ngựa đem con gái chạy về phía nam, nhưng đến cửa biển Đại Nha thì cùng đường, bèn nhảy xuống biển tự vẫn. Về sau dân lập đền thờ.
655 chua Dai Cat ©NCCong 2022