656 Duc Mon community hall

Đình Đức Môn

q.Hoàn Kiếmsông Tô Lịchhuyền sử

Đình Đức Môn có ít nhất từ đầu thế kỷ XVII. Thờ tướng Ngô Văn Long của Hùng Vương thứ 18. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: số 38A phố Hàng Đường, 2RPX+CR, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 1,8 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: 22c Hàng Lược (xe 31), 50 Hàng Cót (01, 36ct)

Lược sử

Vào thời Lê trung hưng, thôn Đông Hoa Môn đã hình thành và mang tên chỉ rõ vị trí ở phía ngoài cửa đông của hoàng thành. Thời ấy, thuyền nhỏ vẫn còn có thể dễ dàng bơi vào sông Tô Lịch từ cửa Hà Khẩu (khoảng chỗ Chợ Gạo bây giờ) mà ngược dòng qua các địa điểm nay là phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường, rồi chéo qua phố Hàng Lược men theo phía bắc thành Thăng Long và đi lên Kẻ Bưởi...

Để vượt qua khúc sông Tô Lịch, người thôn Đông Hoa Môn đã xây một chiếc cầu bằng đá. Ngôi chùa làng có tên chữ là Đông Môn Tự nằm ở gần cầu, cho nên dân quen gọi là chùa Cầu Đông. Theo tư liệu còn lưu trong chùa thì chùa có ít nhất từ đầu thế kỷ XVII và được xây cùng niên đại với đình Đức Môn.

Mái chùa Cầu Đông và đình Đức Môn. Photo: NCCong ©2023

Trên bức hoành phi treo trong đình có ghi ba chữ Hán “Đức Môn Từ”, như vậy đình này nguyên là một ngôi đền cùng tên. Người ta còn thấy tại một ngôi nhà rất gần đó (nay mang biển số 8 phố Hàng Cân và từng là Thư viện phường Hàng Đào) ghi ba chữ Hán “Đông Môn đình”, có lẽ đấy mới là di tích của ngôi đình làng Đông Hoa Môn.

Trong hậu cung đình thờ thần Ngô Văn Long, một tướng của Hùng Duệ Vương. Theo truyền thuyết, ngài từng dẹp giặc Hồ Lư xâm phạm vùng Hoan Châu (Nghệ An bây giờ), được vua phong ấp ở làng Thành Quả quê mẹ, nay là thôn Sinh Quả, thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Sau khi ngài mất, nhân dân lập đền ghi nhớ công đức. Đến thế kỷ XI, vua Lý Thái Tổ ban lệnh cho các làng ở Thăng Long thờ ngài làm Long thần.

Hậu cung đình Đức Môn. Photo ©NCCong 2023

Ngày 5-9-1989, đình Đức Môn cùng chùa Cầu Đông ở nhà số 38b liền kề đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình Đức Môn và chùa Cầu Đông cùng nằm trên phố Hàng Đường, mặt cùng nhìn về phía đông, tạo thành một quần thể di tích trên thửa đất liền khoảnh được gọi là kiểu “tả Thần hữu Phật”. Đình trước kia vốn có cổng riêng, về sau bị bịt lại nên phải đi chung qua tam quan và sân của chùa.

Hiện nay đình gồm 3 nếp nhà nối liền nhau tạo thành hình “chữ Tam”, đều rộng ba gian và xây theo kiểu đầu hồi bít đốc. Bốn bề đình có tường bao kín, phía trước có trổ cửa nách thông sang chùa Cầu Đông. Kiến trúc và trang trí nghệ thuật đơn giản, bộ khung nhà thể hiện bằng các vì kèo bào trơn đóng bén ở cả ba toà tiền tế, trung tế, và hậu cung. Khung mái cuốn vòm, kiểu vỏ cua.

Bình phong đình Đức Môn

Di sản

Trong đình Đức Môn hiện chỉ còn một quả chuông đồng cổ nhưng niên hiệu bị đục không đọc rõ chữ. Có lẽ nó cũng được đúc vào năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn (1800) như thông tin ghi trên quả chuông đề chữ “Đông Môn Tự Chung” (chuông chùa Đông Môn).

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2019, Duc Mon community hall