657 Mat Dung pagoda

Chùa Mật Dụng

q.Tây Hồs.Tô Lịchnhà Trần

Chùa Mật Dụng có từ trước thế kỷ XV. Tên chữ: Mật Dụng Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1989). Vị trí: số 444 phố Thụy Khuê, 2RX6+28 Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội : 5,8 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 324 Thụy Khuê, hoặc Đd 580-582 Hoàng Hoa Thám.

Lược sử

Chùa có tên chữ Mật Dụng Tự, được xây dựng ít nhất cũng từ trước thời Lê sơ. Chùa toạ lạc gần Hồ Tây, trên một khu đất cao và bằng phẳng của thôn Đông Xá, thuộc Kẻ Bưởi, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Có thể đây là một ngôi chùa Mật tông. Bài minh chuông ở chùa này có ghi: “Công việc lớn lao hoàn thành, cốt để chấn hưng Quan Giáo. Điều quan trọng là tuy các giáo có khác nhau nhưng vui làm việc thiện thì tất cũng cùng một ý”. Lại còn đôi câu đối: “Thiên, Địa, Thuỷ - vạn linh, đạo tràng vân tập / Phật, Pháp, Tăng - tam bảo liên toạ như lai” (Thiên, Địa, Thuỷ - vạn linh mây tụ đạo tràng / Phật, Pháp, Tăng - tam bảo đài sen cùng ngự). Ý câu đối này là lập đạo tràng cầu Phật cầu Tiên ban phúc, bảo hộ chúng sinh.

Cổng chùa Mật Dụng ©NCCong 2019

Tấm bia hậu Phật dựng năm Minh Mệnh 4 (1824) có chép việc trùng tu chùa. Đại ý: ngày trước nhân vì binh hỏa lâu ngày nên chùa hoang phế, năm Tân Mùi (1811) dân trong làng mới bàn nhau tu sửa. Nhà sư họ Trần tên là Chiếu Liệm đã cùng với thiện nam tín nữ sửa chữa. Đến năm Canh Thìn (1820) sư Chiếu Liệm lại xin tạo thêm gác chuông, hành lang, tô vẽ tượng Phật, lập bia và truyền thần một bức tượng để truyền đến mai sau.

Ngày 21-1-1989, chùa Mật Dụng được xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Cổng chùa và đình Đông Xá mở ra phố Thụy Khuê là một nghi môn tứ trụ với 2 cửa nhỏ ở hai bên. Sân gạch rộng cũng chung với đình. Chùa nhìn về phía tây nam, xây dựng theo hình “chữ Công”, các mái đều lợp ngói ri.

Tiền đường chùa Mật Dụng ©NCCong 2019

Toà tiền đường 5 gian, 2 chái, bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ, chạm khắc đơn giản và sắc nét. Nhà thiêu hương 2 gian, nối tiền đường với thượng điện 3 gian, 2 chái, được xây bằng gạch vồ và cao hơn tiền đường 60cm. Song song với thượng điện là 2 dãy tịnh xá 6 gian. Nhà Tổ 7 gian, điện Lưu Ly thờ Mẫu tam phủ cũng 7 gian bào trơn đóng bén.

Năm 2018 chùa lại được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt một dự án trùng tu những hạng mục công trình xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện vật

Chùa Mật Dụng bảo lưu 2 bia đá và bài minh với khoảng 1000 chữ Hán trên quả chuông “Mật Dụng hồng chung” đúc năm Cảnh Thịnh 2 (1794). Ngoài ra còn có 04 bức hoành phi, 11 câu đối, 02 bài thơ, 04 cửa võng, tất cả đều được sơn son thếp vàng, mang nét của nghệ thuật thời Nguyễn.

Hiên chùa Mật Dụng ©NCCong 2019

Cách bài trí tượng cũng giống như ở các chùa Bắc tông khác. Vị trí cao nhất trên thượng điện dành cho bộ tượng Tam thế Phật. Lớp thứ 2 gồm tượng A Di Đà, có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ở hai bên. Tiếp dưới có tượng Phật nhập Niết bàn, hai bên có Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Sau nữa là tượng Di Lặc ở giữa tượng Đế Thích và Ngọc Hoàng. Ngoài cùng là tượng Cửu Long và Nam Tào, Bắc Đẩu. Dọc nhà thiêu hương bày hai dãy Thập điện Diêm Vương. Tại tiền đường có các tượng Đức Ông, Giám Trai và hai hộ pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác.

Di tích lân cận

657 chua Mat Dung ©NCCông 2019