66 Garden-house in the Old City
Ngôi nhà vườn ở ngõ 6 Đinh Liệt
biệt thựNhà cũ
Đi sâu vào con ngõ nhỏ số 6 phố Đinh Liệt, chúng tôi bước qua chiếc cổng mái ngói vảy cá đã nhuốm màu rêu phong thời gian, một không gian yên tĩnh hiếm hoi trong lòng phố cổ ồn ào hiện ra đến ngỡ ngàng…
Nửa thế kỷ trước, tư gia ông chủ chuyên nghề lọc vàng, nhãn hàng Sư tử Quảng Thanh ngày ngày nhộn nhịp khách ra vào mua bán. Chủ nhân ngôi nhà đã nhờ người bạn kiến trúc sư - đại tá Phạm Hoàng chỉnh sửa biến ngôi nhà ống đơn giản thành ngôi nhà hai tầng, 16 phòng, giao thoa hài hòa kiến trúc giữa đình làng Việt và phong cách Đông Dương.
Ngôi nhà gần 600m2 chạy thẳng xuyên phố, bọc qua 5 nhà từ số 115 phố Hàng Bạc tới cửa sau số 6 phố Đinh Liệt, trong đó khuôn viên vườn chiếm tới 180m2, nay là ngôi nhà vườn duy nhất còn tồn tại của Hà Nội. Bước sang tuổi 98, bà Phạm Thị Tề cùng các con cháu vẫn sinh sống quây quần bên nhau theo nếp gia phong người Hà Nội xưa.
Vườn xưa
Nhà vườn này khác với những ngôi nhà vườn tại Huế hay Bắc Kinh (Trung Quốc) do phố cổ Hà Nội là nơi dành cho buôn bán, sản xuất. Vườn không ở trước mà lại ở sau nhà, bố trí một hòn non bộ nho nhỏ bao quanh là những loại cây mà gia chủ yêu thích. Cuối sân là tiểu cảnh Chiêu Quân cống Hồ nhẹ nhàng với hoạ tiết mây bồng ẩn dụ hình ảnh rồng thanh thoát, ấn hiện dưới thân cây móng rồng 80 tuổi mọc ngang dọc. Khoảng sân vườn ngập tràn màu xanh của cau, hồng xiêm, lộc vừng… mà tuổi đời ít nhất cũng đã 40 năm. Đáng tiếc đến nay bụi tre đằng ngà và trúc quân tử đã không còn nữa.
Xem: Ngã tư Hàng Bạc - Đinh Liệt. Panorama ©Thang Bui 2010
Kiến trúc của ngôi nhà hấp dẫn nhiều du khách trong và nước tìm đến. Theo lời ông Phạm Ngọc Giao, con trai trưởng cụ Phạm Thị Tề: “Nhiều đoàn khách du khách đã tới đây tham quan như đại sứ quán Canada; Liên đoàn Di sản quốc gia Pháp… Và đưa cả vào sách hướng dẫn du lịch phố cổ như cuốn The 36 Guild streets area Hanoi’s Ancient Quarter của Nhật”.
“Ngôi nhà vườn bọc 5 ngôi nhà từ số 101 - 113 phố Hàng Bạc tạo nên các tầng lớp, giống như một bản nhạc, nếu thiếu đi người nhạc trưởng dẫn dắt thì lập tức sẽ bị lạc điệu”, ông Giao vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa chia sẻ. Ở bất cứ đâu trong ngôi nhà, người ta cũng bắt gặp sự kết hợp tinh tế các chi tiết kiến trúc Đông–Tây. Phía sau những cột gỗ lim nâu ấm áp chia cách từng không gian là những căn phòng nhỏ của từng thành viên. Điều ngạc nhiên là ở bất kỳ đâu dù là trên cánh cửa phòng, cửa sổ hay trên tường ngôi nhà luôn xuất hiện đan xen hình ảnh con dơi và chữ thọ. Thọ biểu tượng cho sức khỏe. Dơi có cách đọc đồng âm với chữ phúc và có mặt trong bộ tứ: long, ly, quy, phượng truyền thống của văn hoá người Việt. Sự kết hợp hai chi tiết như lời cầu mong hạnh phúc và trường thọ của chủ nhân ngôi nhà cho con cháu.
Dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ Bát Tràng, những vật liệu châu Âu kết hợp với thiết kế mộc toát lên sự hài hòa, thanh thoát cho toàn bộ căn nhà. Chất liệu nặng nề là sắt bỗng chốc trở nên thanh thoát dáng hoa mềm mại bên những khung cửa sổ mà gia chủ đã cố công giữ gìn. Ngày trước, toàn bộ lớp mái sử dụng ngói Marseille của Pháp. Sau do không có điều kiện mua, chủ nhân ngôi nhà đã sử dụng ngói Hưng Ký đầu thế kỷ 20, đặc biệt không bám rêu và lên màu theo thời gian. Bởi vậy, dù trải qua ngót ngét gần 100 năm mà sắc đỏ vẫn nồng ấm như ngày nào!
Nét đặc sắc nhất trong phong cách Việt thể hiện ở mái ngói nhà uốn cong vút ở đầu đao. Ở mỗi góc đầu đao là hình mây cách điệu uyển chuyển như đang bay lượn. Do mảnh đất không vuông vức khiến một góc mái có tới hai đầu đao để khắc phục khiếm khuyết của đất. Phần xương cốt là gỗ lim rồi dùng gạch tạo độ cong cho mái ngói. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khi đến thăm ngôi nhà đã không khỏi thắc mắc: tại sao ngói Marseille lại có thể lợp được đầu cong. Đó chính là do bàn tay tài hoa của những người thợ năm xưa kết thành.
Trên không gian tầng hai, ẩn giấu trong lớp mụi mờ mờ, những ô cửa quét sơn xanh, dùng hình thể hoá giải vật liệu khô cứng được làm cùng thời với cung đình Huế vẫn bền bỉ theo thời gian. Bên ngoài ban công là mái thoáng giàn hoa sân thượng theo đúng phong cách kiến trúc Pháp tạo nên nét lạ lẫm cho một ngôi nhà vốn dĩ đã rất đặc biệt.
Tháng 11-2009, đoàn chuyên gia di sản quốc gia Pháp đã rất ngạc nhiên khi trông thấy bộ salon có họa tiết phong cách Louis XIV đặt trong gian phòng khách. Bộ ghế có từ đời ông bố đẻ cụ Quảng Thanh, không hề cong vênh, mối mọt dù đã trên 100 tuổi. Hiện tại, chỉ có duy nhất một bộ giống như thế đặt trong phòng khách Nhà hát lớn Hà Nội.
Nếp cổ
Trong ngôi nhà vườn cổ, những vật phẩm đáng tiền tỉ chỉ như bao vật dụng thông thường, điều đáng trân trọng hơn cả chỉnh ở nếp sống được giữ gìn qua 6 thế hệ. Nhất nhất con cháu, dâu rể trong nhà đều tuân thủ theo lời căn dặn trên vế đối có niên đại Bảo Đại nguyên niên đặt trang trọng ở bàn thờ tổ tiên:
Cư gia hữu hằng quy, trịnh công trương nhẫn
Sử thế vô biệt pháp, liễu thứ lâu khiêm
(Ở nhà có quy định không đổi là coi trọng sự công bằng và tôn vinh tính kiên nhẫn
Với bên ngoài không gì bằng sự mềm mại, xanh tươi như liễu và đàng hoàng, khiêm tốn như lâu đài)
Vẻ đẹp và phong cách tinh tế của người Tràng An thấm đẫm trong từng con người sinh ra và lớn lên ở đây. Người là họa sĩ, người là thầy thuốc, người làm sợi… sinh sống quây quần, thuận hòa cùng người mẹ già đã bước sang tuổi 98.
Cuộc sống của họ vẫn bình dị, êm đềm như những năm đầu thế kỷ trước, như câu đối sơn thon thiếp vàng đậm mầu năm tháng:
Vũ quá cầm thư nhuận, phong lai bút mặc hương
(Bão táp qua đi tiếng đàn sẽ dịu êm, gió lành đến cuộc đời lại lên hương)
Ở bất cứ đâu trong ngôi nhà, người ta cũng bắt gặp sự kết hợp tinh tế các chi tiết kiến trúc Đông–Tây.
- Góc phố Đinh Liệt - Hàng Bạc. Photo ©NCCong 2012
Giữ cho hậu thế
Chỉ những người dân sống lâu năm mới biết đến những ngôi nhà vườn đã từng tồn tại trong lòng phố cổ tại số 41 phố Hàng Đào, số 44 phố Hàng Bè, số 6 phố Gia Ngư, số 103 phố Hàng Bạc, số 87 phố Mã Mây… Hiện nay, chỉ còn duy nhất ngôi nhà vườn tại số 115 phố Hàng Bạc nhưng đang oằn mình trước cơn bão lấn chiếm, phá vỡ cảnh quan của những hộ dân cùng sinh sống trong số nhà.
Sau 1954, theo chính sách của Nhà nước, một phần diện tích ngôi nhà phân cho ba hộ dân sử dụng. Kiến trúc nguyên bản của ngôi nhà đã bị phá vỡ khi các hộ này tự ý lấn chiếm, cơi nới, xây dựng mới công trình trong lòng nhà. Tháng 6-2010, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định giao cho UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, khắc phục vụ đục nhà vườn cổ và lên phương án di chuyển các hộ kia, bảo tồn ngôi nhà cổ “độc nhất vô nhị”.
Tặng chúng tôi chiếc đĩa hình "Ký sự Thăng Long–ngàn năm thương nhớ" trích một phần hình ảnh ngôi nhà vườn cổ, ông Giao đau đáu nỗi niềm: “Chúng tôi đã gắng sức giữ gìn ngôi nhà với đúng phần hồn, nét thần thái của người Hà Nội xưa. Giờ nhìn không gian nhà bị phá vỡ, đau lòng lắm mà lực bất tòng tâm. Chúng tôi chỉ mong các cấp, ngành sớm triển khai những phương án bảo vệ ngôi nhà vườn. Đó không chỉ là tài sản riêng của chúng tôi mà còn là tài sản có giá trị vật chất, tinh thần trong mốc son Thăng Long 1.000 năm tuổi”.
Sự giao thoa hai nền văn hoá Đông–Tây hiện diện trong ngôi nhà vườn số 115 phố Hàng Bạc kể một câu chuyện xuyên quá khứ, hiện tại và chắc chắn cả tương lai khi thế hệ hôm nay biết trân trọng gìn giữ và bảo tồn di sản văn hoá đã có lúc bị “lãng quên” cho ngày mai.
©NCCông 2011, A Garden-house in the Old City