666 Ha Noi, Ha Dong
Hà Nội, Hà Đông
q.Hà Đôngsông NhuệNăm 1831, vua Minh Mạng xóa bỏ Bắc Thành (gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc) ở miền Bắc và đặt Hà Nội làm một tỉnh mới như 30 tỉnh khác trên đất Việt Nam. Hà Nội lúc bấy giờ gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân.
1. Năm 1888, vua Đồng Khánh buộc phải ra chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương và một phần nhỏ của huyện Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Hà Nội cho Pháp lập thành phố nhượng địa. Tháng 9-1888, Thống sứ Bắc Kỳ cho lập một bản đồ vẽ tay chỉ giới thành phố Hà Nội. Theo bản đồ này, ranh giới phía Bắc với tỉnh Hà Nội là hồ Trúc Bạch, phía Nam là khu nhượng địa Đồn Thủy, phía Tây là thành Hà Nội và Văn Miếu. Diện tích thời kỳ đầu là 945ha với dân số khoảng 100.000 người. Thành phố chia ra làm 8 hộ và hộ phố (tương đương như chủ tịch phường hiện nay) thay mặt dân quan hệ với nhà chức trách. Hội đồng thành phố khóa đầu cũng cho đúc huy hiệu hình tròn, hai bên có hai con rồng, ở giữa nhô lên thanh kiếm, trên cao là mặt trời màu đen, xung quanh là tường thành. Không rõ người Pháp hay người Việt vẽ mẫu, nhưng huy hiệu có tính biểu trưng khá cao khi sử dụng cả truyền thuyết và lịch sử Thăng Long.
Huy hiệu này sử dụng từ 1902 đến 1954. Huy hiệu xuất hiện trên các loại giấy tờ trao đổi chính thức, trên phần lớn các văn bằng, giấy khen, giấy chứng nhận do Tòa Thị chính Hà Nội cấp. Mặt khiên mô tả truyền thuyết vua Lê trả kiếm : Đôi rồng biểu trưng cho lịch sử – văn hóa đất Thăng Long ; thanh kiếm chúc xuống mặt nước là biểu hiện cho việc trả gươm báu (mang ý nghĩa kiến quốc và bảo quốc) ; câu châm ngôn Dislecta fortitudine prosfera (tiếng Latin) hàm nghĩa “Của cải chỉ có thể đạt được bằng lòng dũng cảm”.
Hai năm sau, tháng 10-1890, tỉnh Hà Nội tiếp tục bị thu hẹp khi vua Thành Thái lấy toàn bộ phủ Lý Nhân lập nên tỉnh Hà Nam. Ngày 26-1-1896, Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau ra nghị định chuyển trị sở tỉnh Hà Nội vào đất làng Cầu Đơ sát sông Nhuệ. Cầu Đơ có tên chữ là Cầu Đa, cùng với làng Triều Khúc, Yên Xá (nay là phường Tân Triều, quận Thanh Xuân) cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn thuộc xã Trung Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai (phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng) có chung tên nôm là Kẻ Đơ. Vì Triều Khúc có nghề dệt quai nón thao nên gọi là Đơ Thao, còn Yên Xá trồng khoai lang rất ngọt và bùi nên gọi là Đơ Bùi. Trên con đường thượng đạo chạy qua làng có một cây cầu bắc qua sông Nhuệ được làm bằng gỗ, lợp ngói theo kiểu “thượng gia hạ kiều” và mang tên là Cầu Đơ nên thành ra làng cũng mang tên cầu. Thời kỳ đầu, trị sở Cầu Đơ của tỉnh Hà Nội có diện tích nhỏ hẹp chừng 1km2. Chính quyền sau đó đã cho xây nhà công vụ và các công trình phục vụ cho hoạt động hành chính của một trị sở.
2. Thực hiện ý đồ biến toàn cõi Đông Dương thành thuộc địa, Quốc hội Pháp quyết định lấy thành phố nhượng địa Hà Nội làm Thủ đô của Liên bang Đông Dương, do vậy không thể có tên một tỉnh trùng với tên thủ đô. Vì lẽ đó, ngày 3-5-1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra nghị định đổi tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Nhưng Cầu Đơ là tên nôm của một làng, lại dùng để đặt cho một tỉnh lớn nằm ngay sát Thủ đô của Liên bang Đông Dương khiến cho nhiều ý kiến đề nghị nên đổi sang tên khác. Sau khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer bị gọi về Pháp và J.Paul Beau sang thay, có vẻ như cái tên Cầu Đơ cũng không được Toàn quyền mới ưa thích nên ngày 6-12-1904 đã ra nghị định đổi tên Cầu Đơ thành Hà Đông.
3. Xuất xứ cái tên Hà Đông là do Thám hoa Vũ Phạm Hàm, khi đó đang giữ chức Đốc học tỉnh Cầu Đơ, đề xuất và được chấp thuận. Người hay chữ suy đoán, tên Hà Đông có thể xuất xứ từ câu của Mạnh Tử nói về 2 địa danh ở Trung Quốc xưa: “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội” (nghĩa là Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, chuyển thóc từ Hà Đông ra Hà Nội). Về mặt địa lý, cái tên Hà Đông đúng ra phải đặt cho tỉnh Hải Dương. Vì xưa kia Hải Dương vẫn thường được gọi là xứ Đông hoặc miền Hải Đông. Còn vùng đất Cầu Đơ lại nằm ở phía Tây và Nam thành phố Hà Nội thì nên đặt là Hà Tây. Tuy nhiên ở phía Tây đã có tỉnh Sơn Tây và phía Nam lại có tỉnh Nam Hà, vì thế ý kiến cho rằng tên Hà Đông có xuất xứ từ câu của Mạnh Tử xem ra cũng có lý. Tuy nhiên, cũng không ít nhà Nho cho rằng, Vũ Phạm Hàm đề xuất cái tên Hà Đông không phải xuất xứ từ câu của Mạnh Tử mà đơn giản vì tỉnh Cầu Đơ có sông Nhuệ nằm ở phía Đông của núi Ba Vì huyền thoại.
Vì đổi tên tỉnh nên trị sở Cầu Đơ cũng đổi thành trị sở Hà Đông, từ đó trong các văn bản hành chính không còn tên Cầu Đơ và cho đến nay tên này chỉ còn trong sử sách. Năm 1940, tỉnh lỵ Hà Đông đổi thành thị xã với hai khu phố là Hà Văn và Hà Cầu đặt dưới sự quản lý của cơ quan hành chính gọi là “Hội đồng thị xã”. Ngày 21-4-1965 tỉnh Sơn Tây sáp nhập vào Hà Đông gọi là tỉnh Hà Tây, lấy thị xã Hà Đông làm thủ phủ. Sau đó thị xã Hà Đông được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tây. Khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội ngày 1-8-2008 thì thành phố Hà Đông trở thành quận Hà Đông ngày nay.
(NV: Nguyễn Ngọc Tiến)