668 Tieu Son pagoda
Chùa Tiêu Sơn (Thiên Tâm Tự)
Kinh BắcTiền Lêsông ĐuốngchùaChùa Tiêu Sơn có từ thế kỷ X. Tên chữ: Thiên Tâm Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 4XPM+X3 Tiêu Thượng, Tương Giang, Tx. Từ Sơn, Bắc Ninh. Cách BĐX Bờ Hồ: 20km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: Chùa Tiêu - KCN Tiên Sơn trên phố Minh Khai (xe 54).
Lược sử
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, chùa Tiêu Sơn, tên chữ Thiên Tâm Tự, đã có từ rất lâu đời. Đến cuối thế kỷ X, vùng Từ Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo của xứ Kinh Bắc và chùa được thiền sư Vạn Hạnh trụ trì. Khi Lý Công Uẩn mới 3 tuổi đã được mẹ đem lên chùa Tiêu gửi thiền sư nuôi dạy cho đến lúc lớn khôn.
Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi chép về chùa Tiêu và sự tích Lý Công Uẩn. Trích: “Thái tổ họ Nguyễn (Lý). Người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Mẹ là Phạm Thị, ngày 12 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (974) sinh ra vua. Vua khi bé đã thông minh, khí độ, rộng rãi, du học ở chùa Lục Tổ, sư Vạn Hạnh trông thấy lấy làm lạ nói rằng: Đây là người phi thường sau này lớn lên tất có thể cứu nước, yên dân làm bậc minh chủ thiên hạ”.
- Nhà thờ Tổ chùa Tiêu Sơn. Photo ©NCCong 2019
Di sản
Chùa Tiêu lưu giữ được nhiều tư liệu liên quan đến sự tích Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ — vị vua đã dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở đầu kỷ nguyên mới của nước Đại Việt độc lập. Trong số hiện vật có tấm bia đá cao 0,68m, ngang 0,40m, khắc bốn chữ: “Lý Gia Linh Thạch”, một bản Chiếu dời đô và tượng đài thiền sư Vạn Hạnh — người đã nuôi dưỡng giáo dục Lý Công Uẩn từ thơ ấu cho tới lúc trưởng thành.
Chùa đã qua trùng tu nhiều lần. Cổng chùa hiện nay được xây năm 1986. Năm 2014 nhà chùa và chính quyền địa phương cho khai quật ngôi tháp có gần 300 năm tuổi táng ở trước tòa tam bảo. Ngôi tháp là mộ của hòa thượng Như Trí với nhục thân được giữ nguyên cho đến nay vẫn trong tư thế toạ thiền.
- Vườn tháp chùa Tiêu Sơn. Photo ©NCCong 2019
Hòa thượng Như Trí đã có công biên tập và khắc in nhiều bộ sách Phật học, nổi tiếng là cuốn “Thiền uyển tập anh”. Sách ghi lại các tông phái thiền học và sự tích của các thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần, có giá trị cả về mặt văn học, triết học và văn hóa dân gian.
Cảnh núi sông
Nằm ở lưng chừng núi Tiêu, có nhiều cổ thụ bao quanh, chùa Tiêu Sơn trông càng cổ kính. Bao quanh núi về phía trước chùa có dòng sông Tiêu Tương nổi tiếng đã đi vào thơ ca Việt Nam với thiên tình sử của chàng Trương Chi với nàng Mỵ Nương. Nhà văn Khái Hưng từng lấy đây làm bối cảnh cho tiểu thuyết "Tiêu Sơn tráng sĩ" in năm 1937.
- Thuỷ đình chùa Tiêu Sơn. Photo ©NCCong 2019
Dòng sông Tiêu Tương ngày nay còn lại chỉ một đoạn ngắn nhìn như một chiếc hồ chạy quanh chân núi phía trước cửa chùa. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “sông Tiêu Lương cũ ở địa giới phủ Từ Sơn, phát nguyên từ cái đầm lớn ở xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông bắc qua xã Tiêu Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức (sông Đuống)”.
Di tích lân cận
- Chùa Nành
- Chùa Kiến Sơ
- Chùa Phật Tích (Bắc Ninh)
- Chùa Trăm gian (Bắc Ninh)
- Đền Gióng (Phù Đổng)
- Đình, miếu Tế Xuyên
668 Tieu Son pagoda ©NCCông 2017-2019