669 King Trieu Quang Phuc

Triệu Việt Vương (548-571)

thời Tiền LýTriệu Quang Phục

Trong "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi là về Triệu Quang Phục thì sử cũ không chép gì, Ngô Sĩ Liên đã lấy nguồn từ dã sử và sách khác để viết "Kỷ Triệu Việt Vương" rồi xếp vào phần "Ngoại kỷ".

Triệu Quang Phục 趙 光 復 sinh năm nào không rõ. Cha là Triệu Túc, người huyện Chu Diên, theo Lý Nam Đế khởi nghĩa và có công lập nước Vạn Xuân, được trao chức thái phó. Quang Phục lớn lên cũng làm tướng.

Tháng 6 năm 545, Lương Vũ Đế (Tiêu Diễn) cử Dương Phiêu, Trần Bá Tiên, Tiêu Bột đi đánh Vạn Xuân. Năm 546, sau khi Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lạo chỉnh đốn lực lượng, đã ủy cho Quang Phục giữ việc nước, điều binh đi chặn đội quân do Bá Tiên chỉ huy.

Tháng Giêng năm 547, Quang Phục lui về giữ vùng đầm Dạ Trạch ở bãi Màn Trò, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bây giờ. Đầm này rộng, cỏ cây um tùm che kín, ở giữa có nền đất cao. Bốn mặt là bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước. Nếu không quen biết thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết.

Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm. Ban ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên không đánh được. Người trong nước gọi Quang Phục là Dạ Trạch Vương 夜 澤 王. Bãi ấy gọi là "bãi Tự Nhiên", đầm ấy là "đầm Nhất Dạ", ngày nay vẫn còn tên cũ.

Năm 548, Quang Phục lên làm vua, xưng là Triệu Việt Vương 趙 越 王. Trần Bá Tiên mưu tính cầm cự lâu ngày làm cho Việt Vương lương hết, quân mệt mỏi thì có thể phá được. Năm 550, vua nhà Lương gặp loạn Hầu Cảnh, gọi Trần Bá Tiên về (sau này năm 557 Bá Tiên cướp ngôi nhà Lương), ủy cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Việt Vương tung quân ra đánh. Sàn chống cự không nổi, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Việt Vương vào thành Long Biên.

Đền Dạ Trạch thờ Triệu Việt Vương

Năm 546, khi Lý Nam Đế lui tránh ở động Khuất Lạo, anh họ của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo cùng với tướng người trong họ là Lý Phật Tử đem 3 vạn người chạy vào Cửu Chân. Trần Bá Tiên đuổi theo đánh. Lý Thiên Bảo thua, thu nhặt quân còn sót được vạn người chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao.

Thiên Bảo thấy động Dã Năng ở đầu nguồn sông Đào Giang là đất phẳng rộng và màu mỡ mới đắp thành để ở, nhân tên đất ấy mà đặt quốc hiệu. Đám quân chúng tôn Thiên Bảo làm chúa, xưng là Đào Lang Vương. Năm 555, Đào Lang Vương mất ở nước Dã Năng, không có con nối dõi. Quân chúng suy tôn Lý Phật Tử lên ngôi.

Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền đông về quê gốc ở huyện Thái Bình, phủ Long Hưng (Sơn Tây) đánh nhau với quân của Việt Vương. Sau năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại mà quân không tiến được, Lý Phật Tử ngờ là Việt Vương có thuật lạ, bèn xin giảng hoà. Việt Vương nghĩ Lý Phật Tử là cháu họ của Lý Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho ở vùng phía tây, Lý Phật Tử dời đến thành Ô Diên (sau là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, tại đấy vẫn còn đền thờ thần Bát Lang, tức Nhã Lang).

Đền Độc Bộ (Ý Yên) thờ Triệu Việt Vương

Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương. Vương bằng lòng kết thành thông gia, do yêu quý Cảo Nương nên cho Nhã Lang ở gửi rể. Vương quá tin vào sức mạnh quân sự của mình, mất cảnh giác. Nhã Lang thực chất làm do thám nên nội tình của Việt Vương đã bị Lý Phật Tử nắm rõ.

Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề, đem quân đánh úp. Việt Vương không thể chống được, bèn đem con gái chạy về phía nam, tìm nơi đất hiểm để ẩn náu, nhưng đến đâu cũng bị quân của Lý Phật Tử đuổi theo sát gót. Vương cưỡi ngựa đến cửa biển Đại Nha, bị nước chắn bèn than rằng "Ta hết đường rồi!" và nhảy xuống biển tự tử.

Theo cuốn sách xưa nhất (1329) chép về Quang Phục là “Việt điện u linh”, sau khi Việt Vương mất, người đời thấy linh dị nên lập miếu thờ ở cửa Đại Nha. Đời vua Trần Nhân Tông năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) sắc phong là Minh Đạo Hoàng đế. Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) ban thêm hai chữ "Khai cơ". Đời vua Trần Anh Tông năm Hưng Long thứ 21 (1313) gia phong bốn chữ "Thánh liệt thần vũ".

©NCCông 2019, King Trieu Quang Phuc