670 Pho Te pagoda (普 濟 寺)
Chùa Tam Thôn (Phổ Tế Tự)
h.Ứng HoàLê trung hưngsông ĐáyChùa Tam Thôn xây vào cuối thế kỷ XVIII. Tên chữ: Phổ Tế Tự 普 濟 寺. Xếp hạng: Di tích thành phố. Vị trí: QQ76+47, Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 39km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đình làng Bặt Ngõ trên QL21B (xe 78, 102, 103a, 13b), UBND xã Trường Thịnh trên ĐT429B (xe 102).
Lược sử
Chùa Phổ Tế nằm giữa cánh đồng giáp giới ba thôn Trung Thịnh, Yên Trường, Đống Vũ nên còn gọi là chùa Ba Thôn hay Tam Thôn. Tên chữ Phổ Tế có nghĩa là cứu độ hết thảy chúng sinh. Lâu nay tại vùng này từng lưu truyền câu ca dao:
Thứ nhất là chùa Cổ Loa
Thứ nhì Phổ Tế, ba là Pháp Vân.
Các bô lão của thôn Đống Vũ cho biết họ còn được nghe một câu ca dao khác:
Thứ nhất chùa Ma, thứ ba chùa Thiện.
Chùa Thiện nằm ở xứ Đồng Thiện, thuộc thôn Bạt Trung, xã Liên Bạt gần đó, còn chùa Ma là tên nôm của Phổ Cứu Tự. Văn bia cổ có tại nơi đây ghi rằng chùa Phổ Tế được xây trên nền cũ của Phổ Cứu Tự vào cuối thế kỷ XVIII.
- Tam quan chùa Phổ Tế. Photo NCCong ©2018
Chùa Phổ Tế được khởi công bởi Trương Bá Hoãn, hiệu Bích Khê và Thông Huyền, biệt hiệu Hi Thiền, người thôn Trung Thịnh, tổng Bạch Sam, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội [1]. Có ông nội đỗ Tứ trường làm Tri huyện Thuận Thành và thân phụ đỗ Giải nguyên làm Tri phủ Từ Sơn nên Trương Bá Hoãn được dạy bảo kỹ càng từ nhỏ, tới 16 tuổi đã đỗ Hương cống. Sau làm quan ở huyện rồi ở phủ chúa Trịnh nhưng chán cảnh triều đình chia bè kéo cánh nên xin lui về quê.
Năm 1789, vua Quang Trung đem quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh, Trương Bá Hoãn ra giúp nhà Tây Sơn hàn gắn giao thiệp với nhà Thanh. Do lập được nhiều công, ông được vời về kinh đô Phú Xuân giữ chức Hiệu Thảo ở Viện Hàn lâm. Ít lâu sau ông xin trở về làng cũ, xuất gia đi tu.
- Chùa Phổ Tế. Photo NCCong ©2018
Năm 1792, Trương Bá Hoãn vận động thiện nam tín nữ quyên góp xây lại chùa, đặt tên là Phổ Tế rồi mời danh sĩ đến viết văn bia. Năm 1794 Thượng thư bộ Binh là Ngô Thì Nhậm có về thăm chùa và soạn “Trùng tu Phổ Tế tự bi ký”, bàn luận rất sâu về diệu lý của đạo Phật, thật xứng với biệt hiệu Ngộ Thiền. Quan Thị thư ở Viện Hàn lâm là Nguyễn Du, người làng Viên Ngoại, huyện Chương Đức, 31 tuổi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Ất Tị đời Lê Cảnh Hưng (1785) cũng được mời, song thấy Ngộ Thiền "văn hay cực kỳ, tôi chẳng thể nói thêm được điều gì nữa", bèn chỉ viết mỗi lai lịch của Hi Thiền vào “Bi hậu ký”.
Trong các ngôi chùa ở thôn Trần Đăng, Miêng Hạ hiện còn giữ được các bài ký trên chuông do Trương Bá Hoãn viết vào đời Cảnh Thịnh (1793-1801). Đến đầu thế kỷ XX, dân ba thôn Trung Thịnh, Yên Trường, Đống Vũ chung sức đúc một quả chuông đồng và khắc vào đó bài ký “Tam Thôn tự chung” (chuông chùa Tam Thôn).
- Bia cổ chùa Phổ Tế. Photo NCCong ©2018
Kiến trúc
Chùa Phổ Tế ở cách đình Yên Trường khoảng 300m về phía tây nam. Đến đầu thế kỷ XXI chùa được đại trùng tu, tôn nền và tăng diện tích đáng kể. Tam quan 3 cửa cao 3 tầng, có gác chuông. Sau tam quan là sân rộng, hai bên sân có hai giếng tròn to được xây mới với tường hoa bao quanh. Tam bảo quay về phía đông nam nhìn ra cánh đồng. Tiền đường xây kiểu cổ diềm 8 mái, gồm 3 gian 2 dĩ có hàng hiên cột đá vây quanh.
Thiêu hương và thượng điện rộng rãi kết nối với tiền đường thành hình chuôi vồ, hai tấm bia cổ thời Tây Sơn được đưa vào đây. Bên trong chùa chính có đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo đã tô lại và bài trí theo kiểu Bắc tông. Bên hữu thượng điện là sân gạch ở trước nhà khách, nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà Ni. Bên tả có những ngôi tháp mộ nằm trong một khu vườn kéo dài đến tận khu vực phía sau chùa giáp với ao và ruộng.
- Bia cổ chùa Phổ Tế. Photo NCCong ©2018
Di tích lân cận
- Chùa Diên Phúc: thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn.
- Chùa Thanh Sam: thôn Thanh Sam, xã Trường Thịnh.
- Đình Ba Thôn: thôn Bạt Chùa, xã Liên Bạt.
- Đình Miêng Hạ: thôn Miêng Hạ, xã Hoa Sơn.
- Đình Trần Đăng: thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn.
- Đình Yên Trường: thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh.
Chú thích
[1] Huyện Ứng Hòa nguyên là phủ Ứng Thiên thời nhà Lê. Năm Gia Long thứ 13 (1814) phủ Ứng Thiên đổi tên là phủ Ứng Hòa. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Ứng Hòa là một trong bốn phủ của tỉnh Hà Nội vừa được thành lập. Phủ Ứng Hòa gồm 4 huyện Sơn Minh (sau đổi thành Sơn Lãng), Chương Đức (sau đổi thành Chương Mỹ), Thanh Oai, Hoài An. Năm 1888, phủ Ứng Hòa thuộc về tỉnh Hà Đông mới được thành lập. Năm 1891, thành lập phủ Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Đông, bao gồm 3 huyện: Yên Đức, Chương Mỹ, Sơn Lãng. Sau 8-1945, huyện Sơn Lãng đổi tên là huyện Ứng Hòa, huyện Yên Đức đổi là huyện Mỹ Đức. Ngày 21-4-1965, tỉnh Hà Tây được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Ngày 12-8-1991, kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa 8 thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, theo đó huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 23-9-2003, Chính phủ ra Nghị định số 107/2003/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Vân Đình thuộc huyện Ứng Hòa. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Tân Phương và một phần diện tích và dân số các xã Liên Bạt, Phương Tú, Vạn Thái vào thị trấn Vân Đình. Sau khi điều chỉnh, huyện Ứng Hòa gồm 29 đơn vị hành chính gồm Thị trấn Vân Đình và 28 xã. Từ ngày 01-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 ngày 29-5-2008. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc Hà Nội.
©NCCong 2018-2020, Pho Te pagoda