672 Giang Xa pagoda

Chùa Giang Xá (Bảo Phúc Tự)

h.Hoài ĐứcTiền Lý

Chùa Giang Xá vốn là Linh Bảo Tự khi Lý Bí tu hành ở đó đầu thế kỷ VI. Tên chữ: Bảo Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 3P83+Q5, ngõ 78, thị trấn Trạm Trôi, H. Hoài Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 19km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Số 1 Lưu Xá (xe 97), Trường THPT tư thục Bình Minh (20A, 70A, 70B, 92)

Lược sử

“Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Vua họ Lý, húy là Bôn, người Thái Bình, phủ Long Hưng”. Sách cũ cho rằng nơi đó thuộc tỉnh Thái Bình; sau có thuyết nói thuộc Sơn Tây; gần đây lại cho là thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Miền Bắc có gần 80 đình, đền thờ ngài. Theo truyền thuyết, Lý Bí hồi 8 tuổi làm chú tiểu ở chùa Châu Ấp. Đến năm 13 tuổi, ngài theo Pháp tổ thiền sư về tu ở chùa Linh Bảo (sau đổi là chùa Bảo Phúc). Vốn thông minh chăm chỉ lại được thầy hết lòng dạy bảo, sau hơn 10 năm học tập, Lý Bí được dân địa phương tin phục và tôn làm thủ lĩnh.

Ngài giữ chức Giám quan chỉ huy đạo binh của nhà Lương ở quận Cửu Đức nhưng đã sớm bỏ về quê chiêu mộ lực lượng, rèn luyện binh sĩ, tích trữ lương thực, vũ khí, chờ ngày nổi dậy. Lý Bí đã đem một bộ phận quân sĩ về Giang Xá, tại đây vẫn còn các di tích như chùa Giáo là nơi tập giáo, chùa Đúc đúc vũ khí, chùa Rộc phát tín hiệu luyện quân…

Tam quan chùa Bảo Phúc. Ảnh NCCong ©2020

Bản thần tích “Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục” lưu giữ ở đình làng Giang Xá (thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) ghi: “…Vua mộ quân ở Lưu Xá, Giang Xá, Dã Năng, Chu Diên tuyển được hơn 3 nghìn người, hôm đó ngày 4 tháng 2 hợp binh tại chùa Giang Xá cầu đảo thiên địa bách thần âm phù. Đến ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (10-4-542) vua khao quân sĩ, tả hữu văn võ, rồi tiến quân trở về châu Dã Năng lập đồn sở cắt đất chia dân, sai tướng lĩnh lập đồn đóng chống thái thú nhà Lương…”.

Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về phương Bắc. Đánh đuổi xong giặc Lương, Lý Bí lập nước Vạn Xuân, chọn Long Biên làm kinh đô, đặt niên hiệu Thiên Đức và xưng vua ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (544). Vào dịp này hàng năm, dân Giang Xá tổ chức lễ hội tưởng nhớ vua.

Cầu vào chùa Bảo Phúc. Ảnh NCCong ©2020

Kiến trúc

Chùa Giang Xá có tam quan khá đồ sộ nhìn về hướng bắc. Cổng chính cao 3 tầng, gác 2 treo một quả chuông. Hai bên còn có 4 trụ biểu và hai cổng giả xây 2 tầng, mái đắp ngói ống giả. Sau cổng là chiếc cầu bê-tông cong cong bắc qua ao sen rồi đến toà phương đình 2 tầng 8 mái.

Phía sau phương đình là sân dẫn khách đến toà tiền đường 5 gian kết nối với hậu cung 3 gian thành hình “chữ Đinh”, bên trong có bày đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông. Khuôn viên chùa rất rộng với nhiều cây ăn quả và cau, rải rác có vài ngôi tháp mộ cổ. Bên hữu sân trước có cổng ngách mở ra con đường làng.

Tượng chùa Bảo Phúc. Ảnh NCCong ©2020

Di vật

Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Bảo Phúc không còn giữ được nhiều cổ vật cũng như hình dáng ban đầu. Năm 2015 UBND huyện Hoài Đức có quyết định tu bổ, tôn tạo lại chùa. Bộ VHTTDL cũng có văn bản số 2285/BVHTTDL-DSVH ngày 09-6-2015 gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội. Tuy vậy cho đến nay đã 4 năm trôi qua kể từ ngày hạ giải chùa chính chỉ còn lại toà phương đình mà công trình vẫn bị bỏ dở do có dấu hiệu vi phạm di tích quốc gia.

Năm 1991 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chùa Bảo Phúc [và đình, đền Giang Xá] là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Vườn chùa Bảo Phúc. Ảnh NCCong ©2020

Di tích lân cận

©NCCong 2014-2020, Giang Xa pagoda