673 Ha Noi rivers
Sông ngòi Hà Nội
sôngHà NộiPhân loại sông Hà Nội
Hà Nội hiện có 7 con sông dài chảy qua địa phận, gồm: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ. Ngoài ra còn có sông Tích và hai con sông ngắn khác, chủ yếu chảy trong nội thành, là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Một trong 5 vị thành hoàng tối cổ của Thăng Long là thần sông Tô Lịch, hai bên bờ lại có hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá, cho nên con sông này có hẳn một bài viết riêng, tương tự như sông Tích và sông Cà Lồ.
Lớn nhất và quan trọng nhất là sông Hồng, từ xưa dân Việt đã gọi là sông Cái vì có nhiều nhánh con. Riêng đoạn sông chảy qua thành phố Hà Nội ngày nay dài tới tận 163km, hai bên bờ có hàng nghìn di tích lịch sử - văn hoá. Khúc sông bao bọc phía đông bắc thành Thăng Long uốn cong như hình cái tai nên còn có tên cổ là Nhĩ Hà. Tên "fleuve rouge" (sông Hồng) là do người Pháp đặt ra để nhấn mạnh đặc trưng của sông là màu nước đỏ phù sa.
Sông Tích còn gọi là Tích Giang hay sông Con, là phụ lưu cấp I của sông Bùi, thuộc hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì và đổ ra huyện Chương Mỹ. Sông Tích chảy qua các khu vực có những di tích lịch sử văn hóa đặc biệt như đền thờ Phùng Hưng, thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, quán thờ Lê Ngân, Đỗ Bí, Lý Triện ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ v.v..
Mấy dòng sông nhỏ
Kim Ngưu có nghĩa là trâu vàng. Sông Kim Ngưu xưa lấy nước sông Tô Lịch chảy về phía Đông dọc theo phố Đội Cấn và lại lấy thêm nước Tô Lịch khi tới ô Thụy Chương (Thụy Khê). Sau đó nó rẽ xuống phía Nam (đoạn này còn gọi là sông Ngọc Hà), chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi hợp lưu ở Văn Điển.
Sông Lừ là tên một dòng sông tại Hà Nội, chảy trong địa bàn quận Đống Đa. Xưa kia đó là một phân lưu của sông Kim Ngưu, tách khỏi Kim Ngưu ở Phương Liệt và chảy về phía Nam Thanh Trì và hợp lưu với Tô Lịch. Tuy nhiên, do sông Kim Ngưu có nhiều đoạn bị lấp, nên đoạn Kim Ngưu còn sót từ Nam Đồng tới Phương Liệt ngày nay cũng được coi là sông Lừ. Mặt khác, khi thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước ở Hà Nội vào cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, người ta đã nắn dòng cho phần lớn lượng nước sông Lừ đổ vào sông Sét rồi vào hồ điều hòa Yên Sở.
Sông Lừ ngày nay dài khoảng 10km, lòng sông rộng từ 10 đến 20m, chảy qua địa bàn các phường Nam Đồng, Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng, Phương Mai, Phương Liên (quận Đống Đa). Đến Phương Liên, sông Lừ chia làm hai, một rẽ sang phía Đông tời Giáp Bát và hội lưu với sông Sét, một chảy tiếp về phía Nam qua Định Công và hội lưu với sông Tô Lịch tại phía Bắc khu đô thị Linh Đàm gần cầu Dậu, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Nhánh hội lưu với Tô Lịch càng gần đến chỗ hội lưu thì dòng chảy càng bị thu hẹp lại.
Sông Sét cổ là một phân lưu của sông Kim Ngưu. Nó tách khỏi Kim Ngưu ở Phương Liệt. Tại chỗ sông Sét tách ra, Kim Ngưu đổi hướng chảy lên phía Bắc tới khu vực hồ Bảy Mẫu và đầm Kim Liên, còn sông Sét chảy về phía Nam. Tuy nhiên, do bồi, lấp, sông Kim Ngưu tại Phương Liệt bị đứt quãng khiến cho đoạn Kim Ngưu ngược lên phía Bắc bị tách riêng ra. Sông Sét ngày nay bao gồm cả đoạn sông Kim Ngưu đó. Nó chảy trong địa phận các quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Sông Sét dài hơn 3,6km, bắt nguồn từ hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), chảy theo hướng Bắc-Nam và đổ vào hồ Yên Sở (quận Hoàng Mai). Khi đi qua Giáp Bát, nó nhận nước từ một phân lưu của sông Lừ từ Phương Liên chảy sang. Sông Sét suốt nhiều năm bị bùn bồi lắng và bị các công trình xây dựng lấn bờ, nên bề rộng và độ sâu của sông đã giảm đáng kể. Nhiều nơi, sông chỉ rộng chừng 5m. Độ sâu trung bình chỉ hơn 1m.
Từ đầu năm 2003, sông Sét được nạo vét và cống hóa với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản trong dự án thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 1 (1997-2005). Hiện nay đoạn phía Bắc của sông chảy qua khu vực các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân đến phố Đại La đã được cống hóa (kè bờ và làm nắp bê tông trên mặt sông thành đường Trần Đại Nghĩa). Đoạn từ phố Đại La đến hồ Yên Sở được kè bờ, nạo vét, làm đường và trồng cây hai bên bờ.
Rừng rậm và đầm lầy
Khu vực thuộc phạm vi Hà Nội ngày nay trước đây là đầm lầy, rừng rậm với sự sinh sống của nhiều loài thú dữ, nhưng qua hàng ngàn năm, với sự bồi đắp của những con sông, đồng bằng xuất hiện. Cách đây 4.000 năm, nước biển cao trên 3,5m so với mực nước biển hiện nay, nhưng chỉ 1.000 năm sau, mực nước lại xuống thấp dưới mực nước biển hiện nay 3m.
Nước biển không giữ nguyên một mực; đất có lúc nâng lên, sụt xuống. Biển lui và sông bồi tích phù sa, vịnh biển Hà Nội cạn dần: xuất hiện những dải đất và những đầm lầy. Có đầm lầy nên có cá sấu, thuồng luồng, rùa, giải. Hồ Gươm đã từng có loài rùa quý, đúng hơn là ba ba hay rùa da mềm. Cá sấu vẫn còn nhiều ở bến sông Hồng hồi thế kỷ XIII, khiến cho vua Trần phải sai Nguyễn Thuyên soạn "Văn tế" để đuổi chúng đi.
Có đất nên cỏ cây mọc thành rừng rậm với nhiều thú dữ. Chính sử còn chép những sự việc như: có voi rừng về Tây Hồ vào thời Lý và hổ rừng về quẩn quanh khu vực chùa Diên Hựu (Một Cột) vào thời Lê. Các cuộc khai quật ở Dục Tú, Tiên Hội (Đông Anh), Vĩnh Ninh, Văn Điển (Thanh Trì) đã tìm thấy nhiều răng voi, nanh hổ, gạc hươu, răng lợn lòi... có tuổi từ 3.000 đến 4.000 năm.
Rừng bàng Yên Thái là một trong "Tây hồ bát cảnh" thời Lê; rừng gỗ tầm giữa bán đảo hồ Tây; rừng tre ngà viền một dải sông Tô và rừng nứa đền Voi Phục thì sử cũ cũng còn ghi lại. Và những tên đất cổ Bồ Đề, Gia Lâm (rừng đa), Du Lâm (rừng dâu da), Mai Lâm (rừng mơ, tương tự: Mai Động, Bạch Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai, Tương Mai), rồi cả Văn Lâm, Trường Lâm, Đông Ngàn đều cho biết ở đó đã từng là rừng cây xanh tốt.
Chứng tích rõ nhất của thời kỳ rừng rậm—đầm lầy Hà Nội cổ là những dải than bùn xếp lớp dưới lòng đất. Than bùn Dịch Vọng (Cầu Giấy) có chỗ dày tới 4m, nằm ở độ cao xấp xỉ mực nước biển trở xuống. Mỏ than bùn Lỗ Khê (Đông Anh) chạy dài tới vài kilômét. Có rừng rậm, đầm lầy cộng với động đất và giông tố thì mới có than bùn. Phủ lên trên càng nhẹ dần tới đất thịt. Di tích của đời sống con người nằm ở lớp đất này.
Thành phố sông hồ
Nét địa lý đặc trưng từ ngàn xưa của Hà Nội là thành phố sông hồ. Đất Hà Nội là đất bãi do phù sa sông Hồng bồi đắp mà nên. Nhưng sự bồi đắp qua ngàn vạn năm ấy đã diễn ra không đơn giản: có đời sống du đãng tự nhiên của những con sông ở đồng bằng - chúng đổi dòng, và có sự can thiệp của con người. Thục Phán đắp lũy thành Cổ Loa cũng là đắp đê phòng lụt.
Theo cổ sử Trung Hoa thì hồi đầu Công nguyên, ở huyện Phong Khê (nay gồm cả đất huyện Đông Anh) đã có đê. Đê làm cho quá trình bồi tụ tự nhiên bị ngăn lại từng phần. Những lần đổi dòng của sông Hồng đã để lại nhiều hồ hình móng ngựa hay những dải đầm kế tiếp xen kẽ với những dải cát của dòng sông cũ.
Xem các bản đồ Hà Nội từ thời xa xưa cho đến giữa thế kỷ trước, thì thấy lãnh thổ của nó là một vùng đầm lầy, nửa đất nửa nước. Quy hoạch Hà Nội cổ là tuân theo và thích ứng đến mức tối đa cái hình thể tự nhiên sông hồ đó. Phần lãnh thổ chủ yếu của kinh thành xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu ở phía Tây và phía Nam.
Lũy bọc ngoài là thành mà cũng là đê, đường giao thông (La Thành). Sông hồ Hà Nội vừa là nguồn nước dùng trong sinh hoạt, là hệ thống thủy lợi và giao thông truyền thống, và cũng là những yếu tố địa lý được dùng làm nguyên lý sơ khởi chỉ đạo việc quy tụ xóm làng, phố phường và thành lũy phòng vệ.
BT: NCCông