674 Sung Quang pagoda
Chùa Sùng Quang (Sùng Quang Tự)
q.Bắc Từ LiêmLê trung hưngsông NhuệChùa Sùng Quang còn gọi chùa Sùng hay chùa Cả, có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: 崇光寺 Sùng Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: Ngõ 82 Cổ Nhuế, 3Q6J+FP, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 14 km (hướng 10 h). Trạm bus: 548 Trần Cung - CLB Thôn Hoàng.
Lược sử
Chùa Sùng Quang còn được gọi là chùa Cả để phân biệt với chùa Bé tức Anh Linh Tự, cả hai đều thuộc Kẻ Noi, nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Tương truyền chùa do công chúa Minh Hiền, con gái vua Lý Thái Tổ cúng tiền xây dựng vào thế kỷ XI khi em trai của bà là hoàng tử Đông Chinh Vương được vua cha ban cho vùng Kẻ Noi làm thực ấp. Sau này, nhân dân Cổ Nhuế đã tôn hai chị em làm thành hoàng và thờ ở đình làng. Những dấu tích của ngôi chùa cũ nay không còn gì.
Theo nội dung bài ký khắc trên tấm bia đá dựng năm Cảnh Hưng 6 thời Lê Trung hưng (1745), lúc đó ở trong làng có vợ của một ông chánh tổng họ Chu là bà Ngô Thị Hậu đã cung tiến, đứng lên quyên góp, tổ chức xây dựng chùa Sùng Quang và lập ra chợ Noi ở trước cửa chùa. Sau khi bà mất, nhân dân đã dựng tượng thờ hậu trong chùa và lập bia công đức.
- Gác chuông chùa Sùng Quang ©NCCong 2023
Kiến trúc
Chùa Sùng Quang đã được đại trùng tu trong đời vua Lê Ý Tông (1735 - 1740) trên nền chùa cũ. Có lẽ chùa thời Lý cao rộng hơn vì kích thước bộ tượng còn lại của hai vị Hộ pháp rất to, không tương xứng với ngôi chùa thời Lê. Đến nay sau nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, khu chùa chính vẫn còn mang đậm dáng vẻ kiến trúc thời cuối Lê đầu Nguyễn. Tam bảo quay mặt về hướng tây nhìn qua sân gạch và chợ Noi ra sông Nhuệ, cổng chùa rất đồ sộ.
Mặt bằng xây dựng có hình “chữ Công”. Toà tiền đường rộng 5 gian nằm trên nền cao, có bậc tam cấp dẫn lên thềm. Toà thượng điện gồm 3 gian. Các nếp nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tăng ở phía sau, đều nằm xung quanh sân hậu và nhìn vào hậu cung. Đến đời vua Thành Thái, năm Nhâm Thìn (1892), nhà chùa cho tu sửa lớn, xây tam quan theo kiểu phương đình 2 tầng 8 mái, 4 đầu đao mái thượng tạo dáng cong vút, có thêm nhà Tổ và đúc lại quả chuông lớn ghi dòng chữ “Sùng Quang tự chung”.
- Phật điện chùa Sùng Quang ©NCCong 2023
Di sản
Trang trí trong chùa tập trung chủ yếu trên 16 bức cốn nách chạm khắc gỗ các hình rồng, cúc, trúc, mai... Bên cạnh 30 pho tượng Phật giáo là tác phẩm của thế kỷ XIX, còn có 15 bức hoành phi, 02 cỗ kiệu lớn và 01 khám thờ, tất cả đều sơn son thiếp vàng. Đồ đá gồm 11 tấm bia, trong đó có 4 bia ghi việc trùng tu (01 bia đời Cảnh Hưng và 03 bia đời Thành Thái). Đồ đồng gồm 02 quả chuông đúc đời Thành Thái và Duy Tân.
Hiện còn giữ được 10 câu đối, trong đó có câu ca ngợi cảnh đẹp của chùa: Điện tiền ngọc tỉnh Ngô Công, bảo ấn chứng nhi Sùng Quang cảnh thắng / Bối hậu Kim Quy hoàng sắc, minh thuỷ lâm nhi Cổ Nhuế dân an.
Dịch nghĩa: Trước điện có giếng ngọc họ Ngô, dấu ấn quý làm chùa Sùng Quang nổi tiếng / Sau lưng là sắc vàng Kim Quy, dòng nước trong nên dân Cổ Nhuế được yên.
- Sân hậu chùa Sùng Quang ©NCCong 2023
Trước cửa chùa nay còn dấu tích một giếng cổ, miệng giếng bằng đá đẽo gọt đẹp, có tấm bia cho biết giếng được xây năm Cảnh Hưng 9 (1748).
Ngày 21-6-1993, chùa Sùng Quang [cùng với ngôi đền Bà Chúa, chùa Anh Linh và đình thôn Viên gần đấy] được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Giàn (Thiên Phúc Tự): 165 Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh.
- Chùa Anh Linh (chùa Bé): ngõ 396 phố Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2.
- Đền Bà Chúa (Kẻ Noi): thôn Viên, phường Cổ Nhuế 2.
- Đình Giàn: ngõ 191 Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh.
- Đình Hoàng: đối diện ngõ 488 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1.
- Đình thôn Viên: 37 Đông Ngạc, phường Thụy Phương.
(674 chua Sung Quang ©NCCông 2019-2023)