675 Perfume pagodas
Khu chùa Hương
sông ĐáyLê trung hưngh.Mỹ ĐứcKhu thắng cảnh chùa Hương có từ thế kỷ XVII. Lễ hội: từ ngày 6 tháng Giêng đến tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2017). Vị trí bến xe bus: JQ7P+QW xã Hương Sơn, H. Mỹ Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 62km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Bến xe Hương Sơn trên đường DT74 (xe 103a, 103b).
Lược sử
Chùa Hương là một vùng non nước tuyệt đẹp của thiên nhiên với các chùa chiền, đình đền thiêng liêng của cư dân nông nghiệp như: đền Trình bến Đục, suối Yến, chùa Long Vân, đền Trình bến Trò, chùa Thiên Trù, đền Trấn Song, chùa Giải Oan, động Hương Tích, chùa Hinh Bồng v.v.. Những di tích này nằm ở giữa hữu ngạn sông Đáy và đoạn đầu của vòng cung núi Hòa Bình—Ninh Bình, nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
- Suối Yến. Photo NCCong ©2014
Chính những núi đá vôi đã tạo nên nhiều hang động với thạch nhũ có hình dáng kỳ thú. Điểm hành hương nổi tiếng của cụm đền chùa tại Hương Sơn là một ngôi chùa nằm trong động Hương Tích, còn gọi là chùa Trong. Ngôi chùa này được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỷ XVII, sau đó bị hủy hoại trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1947, rồi được phục dựng lại năm 1988 bởi Hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ đạo của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân.
Theo cuốn “Hương Sơn Thiên Trù Thiền Phả”, chúa Định Nam vương Trịnh Căn (1633 - 1709) sau khi tuần thú qua Mỹ Đức đã ra lệnh cho một vị hòa thượng đi xác định địa điểm và xây dựng ở đó chùa Hương Tích vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704). Tại tỉnh Hà Tĩnh cũng có một ngôi chùa cùng tên ở Thiện Lộc, huyện Can Lộc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hai chùa không có liên quan với nhau, phe đối lập cũng không thiếu lý lẽ.
- Chùa Thiên Trù. Photo NCCong ©2014
Quần thể danh thắng Hương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017.
Kiến trúc
Quần thể chùa Hương gồm nhiều công trình kiến trúc nằm rải rác trong thung lũng suối Yến của dãy núi Hương Sơn. Khu vực chính còn gọi là chùa Ngoài hay chùa Trò, tên chữ là Thiên Trù Tự, tọa độ: 20°37′5″N 105°44′49″E. Ngôi chùa này được xây không xa bến Trò, nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thường xuống đò ở đấy và lên bộ.
- Động Hương Tích. Photo NCCong ©2014
Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này vốn thuộc chùa làng Cao Mật, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.
Chùa Trong nằm trong một động đá thiên nhiên, tọa độ: 20°36′47″N 105°44′4″E. Ở lối xuống hang có cổng lớn, bên trên ghi 4 chữ Hán “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có 5 chữ Hán 南天第一峝 (“Nam thiên đệ nhất động”) khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.
Lễ hội
Hàng năm lễ hội chùa Hương khai mạc vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch và thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp này hàng triệu Phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức kéo về đây. Đỉnh cao là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này, vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút.
Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt.
- Bến Đục. Photo NCCong ©2014
Tại chùa Ngoài có thờ cả các vị sơn thần thượng đẳng của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tỳ nữ Tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng Cá thần.
Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn… Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãn cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chùa Hương còn là địa danh có trong nhiều bài thơ nổi tiếng của Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Nguyễn Nhược Pháp...
Di tích lân cận
- Đình Hoàng Xá (di tích quốc gia): thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà.
- Đình Lương Xá (di tích quốc gia): xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà.
©NCCông 2014-2021, Chua Huong (Perfume) pagodas