688 Phung Thanh pagoda

Chùa Phụng Thánh

quận Đống Đathời Lýsông Kim Ngưu

Chùa Phụng Thánh tương truyền có từ thời Lý. Tên chữ: Phụng Thánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: phố Trung Phụng, 2R8P+WP, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,2 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Đd 60 Khâm Thiên (xe 01, 09B, 09BCT, 30, 41, 49), 398 Xã Đàn (25, 28, 99).

Lược sử

Truyền thuyết kể rằng vào thời Lý, có một nàng công chúa xinh đẹp là Phật tử thường quan tâm đến đời sống của nhân dân. Một hôm nàng xin phép vua cha cho đi thuyền du ngoạn, đến một hồ lớn thì gặp giông bão. Thuyền đắm, công chúa chết đuối. Dân làng thương xót vớt xác chôn cất, lập miếu thờ công chúa rồi xây am Phật phía sau, dần dần phát triển thành chùa, đặt tên chữ là Phụng Thánh Tự.

Thời Lê, chúa Trịnh từng cho xây dựng cung Tả Phụng Thánh tại giáp Thái Kiều. Cung điện này về sau bị đốt cháy trong “Loạn kiêu binh” nhưng đã để lại dấu vết ở tên thôn. Chùa Phụng Thánh bị hủy hoại năm 1789 do nằm trong khu vực chiến trường Đống Đa. Mãi đến năm 1855 chùa mới được phục dựng rồi trùng tu vào năm 1865. Trong cuộc cải cách hành chính năm 1831 triều đình Minh Mạng đã ghép lại tên hai thôn Thị Trung và Phụng Thánh thành tên xã Trung Phụng, nay là phường Trung Phụng, thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Tháp chùa Phụng Thánh. Photo NCCong ©2020

Ngày 16-11-1988, chùa Phụng Thánh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Phụng Thánh toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng và có diện tích khá lớn. Trước đây, chùa bao gồm tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà ngang, sân gạch và khu vườn rộng xung quanh. Tam bảo quay mặt về phía tây nam trông ra một ao tròn. Đêm 26-12-1972, bom Mỹ phá sập phần lớn khu chùa chính trong thảm kịch B52 Khâm Thiên. Ngay năm 1973, ni cô Đàm Ánh trụ trì chùa đã tiến hành quyên góp để xây dựng lại di tích.

Tiền đường chùa Phụng Thánh. Photo NCCong ©2020

Hai bên tam quan hiện nay xây 3 tầng đồ sộ, ở giữa cao 6 tầng, phía sau có cầu dẫn lên lầu tháp Quan Âm ở trên ao sen, xung quanh là vườn. Do tam quan bị chắn phía trước nên cả 2 cổng vào chùa đều mở về phía tây bắc ra phố Trung Phụng, xưa kia là ngõ Cống Trắng (một dấu tích của khúc sông Kim Ngưu được ngầm hoá trong thế kỷ XX). Phật tử ra vào thường đi cửa sau nối thẳng đến nhà Tổ, nhà khách, nhà Mẫu và chùa chính.

Một mái tôn lớn che phủ sân chùa chính. Tiền đường gồm 3 gian rộng, xây đơn giản, và kết nối với hậu cung 3 gian theo hình chuôi vồ. Trên sân và trong chùa chính có bài trí một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông. Bên hông hậu cung là cửa ngách mở ra sân sau dẫn tới hiên trước nhà thờ Tổ. Phía bên tả chùa chính có sân gạch và các dãy nhà Mẫu, nhà Tăng, giảng đường.

Ao chùa Phụng Thánh. Photo NCCong ©2020

Di sản

Trong chùa hiện còn lưu giữ được 29 pho tượng tròn, trong số đó có 21 tượng đặt tại Phật điện và 08 pho tượng Mẫu. Những pho tượng cổ có giá trị là các tác phẩm nghệ thuật điển hình của thời Nguyễn. Ngoài ra còn có 09 tấm bia đá, 02 quả chuông đồng cùng đồ gốm sứ, đồ gỗ, các cửa võng, bức cuốn thư, đại tự, câu đối và hương án sơn son thếp vàng… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX-XX.

Di tích lân cận

©NCCong 2020, Phung Thanh pagoda