691 Trung Kinh Ha community hall
Đình Trung Kính Hạ (Trung Hoà)
q.Cầu Giấys.Tô Lịchhuyền sửĐình có từ thời Hậu Lê. Thờ: thành hoàng Nộn Công (thời Hùng Vương). Lễ hội: từ 11 đến 13 tháng 2 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2007). Vị trí: số 100, ngõ 43 P. Trung Kính, 2Q6W+PF Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6,3 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: 54 Vũ Phạm Hàm, Trường Tiểu học Trung Yên.
Địa lý
Nằm đối diện làng Láng Thượng ở bên kia sông Tô Lịch, xã Trung Kính vốn có đất đai màu mỡ và nhiều ao hồ, về sau mới bị lấp dần. Xã xưa kia tên là trang Kính Chủ, về sau chia ra hai thôn Trung Kính Thượng, Trung Kính Hạ, mỗi thôn đều có chùa, miếu và đình riêng.
Thôn Trung Kính Hạ tên Nôm là làng Giàn, xưa ruộng nhiều nên có câu “Lúa làng Giàn, quan Kẻ Mọc”. Nhân dân sở tại ngoài trồng lúa còn có nghề làm hương đen, hương trầm, hương xạ, hương vòng; từ nghề chẻ chân hương lại có thêm nghề vót tăm tre, đũa tre. Ngày nay toàn bộ đất làng đã xây thành nhà, không còn phong cảnh đồng quê êm đềm nữa.
- Cổng đình Trung Kính Hạ. Photo NCCong ©2020
Lược sử
Đình Giàn có từ thời Hậu Lê, thờ thành hoàng Nộn Công, ngoài ra phối thờ vua Lê Đại Hành và bà Trịnh Thị Ngọc Nghiêu. Vua Lê Đại Hành từng đem quân đi đánh giặc Tống theo đường ngược sông Nhuệ, sông Tô. Tại trang Kính Chủ, vua đã tuyển thêm quân và lấy thêm lương thực. Còn Trịnh Thị Ngọc Nghiêu là phu nhân của một võ quan thời Hậu Lê làm tới chức Đô đốc Đồng tri, bà đã cấp cho Trung Kính 100 quan tiền cổ và 5 mẫu ruộng để lo việc thờ phụng đức thành hoàng.
Thần phả viết: Nộn Công sinh ngày 14 tháng 2, lớn lên làm tướng của vua Hùng thứ 18. Ngài từng dừng chân đóng đồn tại trang Kính Chủ trên đường đi đánh giặc Thục, được dân làng đón tiếp nồng nhiệt và có thêm trai tráng xin tòng quân. Sau khi giặc tan, vua Hùng phong ngài tước Bảo Quốc Hầu, lập dinh ở Kính Chủ, ban thêm tên Hộ Nhi Hương cho làng này để ghi nhận công lao. Về đến đất Hoan Châu ngày 12 tháng 10, Nộn Công tự nhiên bị bệnh mà mất. Ban đầu có một ban thờ Nộn Công tại bờ sông, nơi ngài từng đặt doanh trại; về sau chuyển về vị trí hiện nay ở cạnh chùa Báo Ân rồi được xây thành miếu Thành hoàng.
- Miếu thành hoàng Trung Kính Hạ. Photo NCCong ©2020
Ngày 20-10-2007, tại Quyết định số 4169/QĐ-UBND, đình Trung Kính Hạ được UBND -TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.
Kiến trúc
Cổng đình Giàn xây kiểu nghi môn, hiện mở ra ngõ ở phía đông bắc. Ngôi đình nằm trong một khuôn viên có tường bao, mặt nhìn qua sân và bức bình phong ra ao hình chữ nhật ở phía tây nam. Hai bên sân có dãy nhà tả, hữu mạc 3 gian đối diện nhau. Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái, 4 mái có đầu đao cong, phía trước trổ 3 cửa gỗ bức bàn, cửa chính làm kiểu thượng song hạ bản, hai cửa bên kiểu ván bưng đơn giản. Mái lợp ngói ri, bờ nóc bờ dải đắp bờ đinh, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nhật. Bộ khung gỗ gồm 4 thức vì kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng, hạ kẻ, thân trụ trốn. Bên tả có cửa ngách thông ra vườn sau.
- Đình làng Trung Kính Hạ. Photo NCCong ©2020
Toà trung đường 5 gian, phía trước có 3 cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản. Mái lợp ngói ri, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Bộ khung gồm 6 thức vì kết cấu kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Gian giữa nối với hậu cung theo hình “chữ Đinh”.
Di sản
Hiện nay, trong đình làng Giàn lưu giữ 14 đạo sắc phong, niên đại sắc cổ nhất đề ngày 8 tháng Tám năm Cảnh Hưng 28 (1767). Lại có 17 câu đối và 5 bia đá: 1 bia mang niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680), 3 bia ghi Bảo Đại 5 (1930) và 1 bia đề Thành Thái 19 (1907). Ngoài ra còn có 3 hương án, kiệu long đình, kiệu bát cống, đỉnh đồng và quả chuông đồng đúc vào thời Nguyễn.
Trong toà đại bái và trung đường đều treo các bức cửa võng, cuốn thư được chạm bong, chạm nổi, chạm thủng cầu kỳ, tinh xảo với các đề tài như rồng chầu mặt trời, rồng lá, rồng cuốn thuỷ, cúc mãn khai và các đao mác, hoa sen, vân dấu hỏi, vân mây, lá lật, mặt hổ phù, bầu rượu, túi thơ, tứ quý và các hoa văn truyền thống.
- Đám rước qua hồ trước miếu Thành hoàng
Lễ hội đình làng Trung Kính Hạ diễn ra hàng năm từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Hai âm lịch. Ngoài lễ mộc dục, lễ phong áo thánh và lễ dâng hương, nghi thức chính còn có lễ rước kiệu tam vị từ đình đến miếu thành hoàng và rước trở về đình, lễ giải y và hạ cờ; bên cạnh đó là các trò chơi và văn nghệ dân gian.
Di tích lân cận
- Chùa Cót (Ngọc Quán Tự):
- Chùa Trung Kính Hạ:
- Chùa Trung Kính Thượng: 217 phố Nguyễn Ngọc Vũ.
- Đền Dục Anh, đình Hoà Mục: số 139 phố Nguyễn Ngọc Vũ.
- Đình Hạ Yên Quyết: số 34 ngõ 251 Nguyễn Khang.
- Đình Trung Kính Thượng: ngõ 219 Nguyễn Ngọc Vũ.
691 dinh Trung Kinh Ha ©NCCông 2020,