693 Due Tu community hall

Đình Duệ Tú

quận Cầu Giấysông Tô Lịchthời Tiền Lý

Đình Duệ Tú có từ thời Lê. Thờ thành hoàng: Cao Sơn đại vương và Chu Lý đại vương. Lễ hội: 12/2, 16/5 và 15/8 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2019). Vị trí: ngõ Chùa Duệ Tú, 2RP2+8H, Nguyễn Khánh Toàn, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 5,8km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Nguyễn Khánh Toàn - Dương Quảng Hàm (xe 12, 38), 106-108 Cầu Giấy (07, 09B, 16, 20A, 26, 27, 28, 32, 34, 49)

Địa lý

Cuối thời Bắc thuộc, phía tây nam ngã ba sông Thiên Phù và Tô Lịch đã có các trang tiền thân của thôn Tiền, thôn Trung, thôn Hậu. Đến thời Lê, ba trang này gộp thành xã lấy tên là Dịch Vọng vì tại đây có đặt một trạm đổi ngựa trên con đường cái quan nối kinh thành Thăng Long với Sơn Tây (thời Pháp thuộc gọi là Quốc lộ 32). Năm 1491 vua Lê cho lập một sở đồn điền ở đây, sau này là thôn Dịch Vọng Sở. Đầu thế kỷ XVII, có thêm thôn Mai Dịch tách ra từ thôn Dịch Vọng Hậu. Đầu thời Nguyễn, cả 5 thôn trên thuộc về tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm 1831, huyện Từ Liêm cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Năm 1915, xã Dịch Vọng thuộc Đại lý Hoàn Long, năm 1942 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội. Sau 1954 tách ra thành hai xã Dịch Vọng và Mai Dịch, thuộc quận VI. Từ năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Từ tháng 9-1997, hai xã chuyển thành bốn phường của quận Cầu Giấy: Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu và Mai Dịch. Thôn Dịch Vọng Tiền gồm 4 xóm, mỗi xóm có một đình riêng.

Sân đình Duệ Tú. Photo ©NCCong 2020

Lược sử

Đình xóm Duệ Tú còn gọi đình Duệ nay thuộc về phường Quan Hoa (trước năm 1997 phường này vốn là thị trấn Cầu Giấy). Tương truyền đình được xây dựng vào năm 1740, thờ 2 vị thành hoàng làng gồm: Thần núi Cao Sơn và Chu Lý đại vương - một tướng tài của Triệu Việt Vương (vị vua kế tục Lý Nam Đế lãnh đạo nước Vạn Xuân chống lại cuộc xâm lược của quân nhà Lương).

Lễ hội đình xóm Duệ Tú diễn ra mỗi năm 3 lần. Lễ hội vào ngày 12 tháng Hai và ngày Bách Nhật 16 tháng Năm là để tưởng niệm Đức Cao Sơn đại vương. Lễ hội ngày 15 tháng Tám để tưởng niệm Đức Thánh Chu Lý đại vương.

Theo Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 28/01/2019 của UBND thành phố Hà Nội, đình Duệ Tú được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

Đình Duệ Tú. Photo ©NCCong 2020

Kiến trúc

Đình hiện nay nằm cạnh chùa Duệ Tú trên một mảnh đất khoảng 200m2, trước đây có nhiều cổ thụ. Ban đầu đình quay hướng đông nam, sau vì trong làng gặp nhiều bất trắc nên xoay lại theo hướng tây nam. Đình bị đốt vào ngày tết 22/1/1947, chỉ còn hậu cung và một số đồ thờ tự. Trong thời kỳ 1965-1975 trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ Đô) đã mượn 1200m2 đất gồm: cổng, sân, giếng và ao đình.

Năm 2015 đình được phục dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước 4,5 tỷ đồng, nhân dân địa phương đóng góp các đồ tế khí 1,6 tỷ đồng. Cổng tam quan xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, mặt quay về phía đông nam và mở ra con đường xóm, nay là ngõ Chùa Duệ Tú. Sau nghi môn là sân gạch, bên trái có bức bình phong kiêm bia công đức. Nhà đại bái nhìn về phía tây nam như cũ, xây kiểu tường hồi bít đốc, gồm 3 gian có hàng hiên, cửa gỗ, được kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”.

Cổng đình Duệ Tú. Photo ©NCCong 2020

Di vật

Hiện nay trong đình vẫn bảo lưu được 4 sắc phong có ghi niên hiệu Tự Đức (1881), Đồng Khánh (1887), Duy Tân (1910), Khải Định (1924). Ngoài ra còn có 2 cỗ kiệu bát cống, 2 bộ ngai, 3 tấm bia đá: bia Linh Thần mang niên hiệu Thiệu Trị 6 (1846), bia Linh Thần thứ 2 ghi niên hiệu Bảo Đại 16 (1941) và bia Đình Ca hát Khánh Duệ khắc năm Tân Dậu (?).

Di tích lân cận

©NCCông 2020-2023 Due Tu community hall