695 Hoa Lang pagoda

Chùa Hoa Lăng (Ba Lăng Tự)

q.Cầu GiấyTừ Đạo Hạnhsông Tô Lịch

Chùa Hoa Lăng có từ thời Lý. Thờ hậu: bà Tăng Thị Loan (mẹ Từ Đạo Hạnh). Lễ hội: 7 tháng 3 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2007). Vị trí: ngõ 277 Quan Hoa, 2RQ4+95, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,7km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 6 Nguyễn Khánh Toàn (xe 12, 38), 290 Đường Bưởi (xe 09A, 09ACT, 25, 55A, 55B, 68, 90, CNG03).

Lược sử

Chùa Hoa Lăng vốn tên Ba Lăng Tự, thuộc xã Thượng An Quyết, sau đổi là Yên Hoà, nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Chùa được xây từ đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128), có thờ hậu bà Tăng Thị Loan, vợ Tăng quan đô sát Từ Vinh và mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072—1116). Gia đình bà sống tại làng Láng cũng ở ven sông Tô Lịch và nền nhà cũ về sau trở thành nơi xây ngôi chùa Nền.

Tương truyền Từ Vinh bị sư Đại Điên sát hại, vợ phải bỏ nhà vào chùa Hoa Lăng ẩn tu. Bà có công tôn tạo chùa nên sau khi chết được thờ hậu. Nhiều người tin rằng mộ bà nằm tại đây. Còn Từ Đạo Hạnh tu ở Sài Sơn rồi sang Tây Trúc học được phép lạ trở về giết chết Đại Điên để trả thù cho cha, xong lại tu tiếp ở chùa Thầy. Sau ngài đắc đạo, hoá thân thành cháu gọi vua bằng bác, lên ngôi xưng là Lý Thần Tông (1128-1138), người đã cho xây ngôi chùa Láng và mở rộng chùa Hoa Lăng, lại cấp 5 mẫu ruộng để sư sãi có tiền dầu đèn.

Cổng chùa Hoa Lăng. Photo NCCong ©2020

Năm 2007 chùa Hoa Lăng được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá của thành phố.

Kiến trúc

Chùa ban đầu chỉ lợp mái tranh, sau khi Thánh Mẫu đi tu ở đây mới lợp ngói, xây gạch. Trải qua bao triều đại, kiến trúc ban đầu và phần lớn đất vườn không còn nguyên vẹn. Chùa cũng nhiều lần bị mất chuông, nay chỉ còn “Hoa Lăng tự chung” cao 80cm, đường kính 50cm, đúc ngày 13 tháng 3 năm Thành Thái thứ hai (1890). Nghe nói chùa xưa xây kiểu “chữ Công”, năm 1952 hậu cung sửa lại theo kiểu “chữ Đinh”. Năm 1964, Viện chống Lao trung ương đã sơ tán ở đây. Năm 1984 một đơn vị bộ đội thông tin đến đóng quân, 10 năm sau trả lại.

Đến thập kỷ 2010 chùa mới được trùng tu. Khách đi vào ngõ 277 Quan Hoa sẽ thấy ngay tam quan chùa là một phương đình 2 tầng 8 mái nhìn về phía đông. Sau cổng là sân trước, bên trái có cổng phụ và nhà hữu vu 3 gian. Toà tiền đường có hàng hiên nhỏ với 2 cột, gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai.

Sân chùa Hoa Lăng. Photo NCCong ©2020

Toà hậu cung kết nối với tiền đường theo hình “chữ Đinh”, thờ Thánh Mẫu ở sau Phật điện. Sân hậu giáp nhà tăng và nhà khách.

Di sản

Hội chùa Hoa Lăng gắn liền với hội chùa Láng, hàng năm diễn ra vào ngày 7 tháng Ba. Đoàn rước đến Cống Cót, tất cả đi qua cầu chỉ riêng kiệu Từ Đạo Hạnh phải lội vì đây là chỗ Đại Điên ném xác Từ Vinh xuống sông Tô Lịch. Dân Dịch Vọng Tiền hôm trước đã rước kiệu sư Đại Điên sang chùa Thánh Chúa ở Dịch Vọng Hậu để cạnh tượng Nguyễn Bông cho “chơi với nhau”, hôm sau lại rước về chùa Duệ và giấu tượng xuống hầm. [Nguyễn Bông vốn là thái giám của Nguyên phi Ỷ Lan, y định đầu thai vào hoàng gia theo mưu của sư Đại Điên nhưng do bại lộ nên bị chém với tội danh "nhìn trộm Nguyên phi tắm". Về sau Ỷ Lan lên nhiếp chính đã cho người về quê xoá lỗi cho Nguyễn Bông].

Kiệu Từ Đạo Hạnh đến chùa Duệ là nơi thờ Đại Điên thì cuộc “đấu” giữa pháo làng Láng và làng Tiền nổ ra rồi kéo dài khoảng nửa tiếng. Sau đó đám rước đi về chùa Hoa Lăng, nơi chỉ có long đình và kiệu được vào sân rồi hạ xuống trước bái đường, tất cả đứng sau làm lễ. Tiếp theo, ông lệnh đem chuỗi tràng hạt từ kiệu đình vào hậu cung cáo Phật rồi quàng vào tượng Thánh, với ý nghĩa là Đạo Hạnh đã tu đắc đạo.

Trong chùa Hoa Lăng. Photo NCCong ©2020

Qua những năm loạn lạc đã nhiều lần đúc chuông nhưng đều bị mất, nay còn lại quả chuông “Hoa Lăng tự chung” cao 80cm, đường kính 50cm đúc ngày 13 tháng 3 năm Thành Thái thứ hai (1890). Nội dung bài văn chuông ca ngợi ngôi chùa “Nam thiên cựu tích tự hiệu Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh thiên cổ danh lam” và cũng ghi lại mối quan hệ giao hảo giữa nhân dân hai xã Yên Hoà và Yên Lãng: mỗi nơi đã góp 56 quan tiền đúc chuông.

Di tích lân cận

©NCCông 2020, Hoa Lang pagoda