698 Thi Cam pagoda
Chùa Thị Cấm (Linh Ứng Tự)
q.Nam Từ LiêmLê trung hưngsông NhuệChùa Thị Cấm có từ khoảng thế kỷ XVII. Tên chữ: Linh Ứng Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 2QQ5+73, ngã ba Phương Canh - Phúc Diễn, P. Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 11km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: TT Kiểm Định Xe Máy Quân Sự - Đường 32 (xe 20A, 29, 32, 70A, 70B), KĐT Xuân Phương (49).
Lược sử
Chùa Thị Cấm có tên chữ Linh Ứng Tự, theo truyền thuyết được thành lập vào thời Trần. Có lẽ hợp lý hơn là khởi dựng vào thời Lê Trung hưng, nếu so Linh Ứng Tự với ngôi đình của thôn Kiều Mai bên cạnh xuất hiện năm 1671 và ngôi đình của chính thôn Thị Cấm được xây trước năm 1707, cách chùa 1km. Theo nhà chùa, cuối thế kỷ XVII có bà Nguyễn Thị Hảo và chồng là người cùng làng đã góp công đức để tu sửa Phật điện, lầu chuông, gác khánh.
- Cổng chùa Thị Cấm. Photo NCCong ©2015
Năm Đinh Tỵ dưới đời vua Tự Đức (1857) chùa được đại trùng tu. Năm Bảo Đại 11 (1936) nhà chùa cho xây toà Thánh Mẫu, tô tượng và sắm đồ thờ mới. Năm sau lại sửa chữa lớn, xây điện vũ 5 gian, hậu đường, tăng phòng 9 gian. Gần đây nhất có đợt trùng tu vào đầu thế kỷ XXI.
Ngày 02-03-1990, chùa Thị Cấm được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Phương đình chùa Thị Cấm. Photo NCCong ©2015
Kiến trúc
Chùa nằm ven đường Phúc Diễn chạy dọc bờ tây khúc sông Nhuệ chảy qua làng Thị Cấm, nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Tam quan xoay chếch về phía đông nam, mới xây lại theo kiểu chùa Kim Liên và mở ra đường Phương Canh, ngay góc phía tây bắc của ngã ba Phương Canh - Phúc Diễn. Chùa còn một cổng cũ mở ra ngõ 2 Phương Canh, nhìn về phía tây nam, ô tô ra vào được.
Sau tam quan là sân trước, hai bên có nhiều cây cảnh và vườn giả sơn, ở giữa là một phương đình 2 tầng 8 mái với tượng Quan Âm Nam Hải. Chùa chính cao ráo, bên trong bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông. Toà tiền đường 3 gian 2 chái, phía trước có sàn gỗ rộng được che bạt, hai bên có dãy nhà tả, hữu vu 7 gian đơn giản. Thiêu hương khá dài, thượng điện 3 gian. Phía sau sân hậu là nhà Tổ và nhà Mẫu, hai bên là khu phụ và vườn tháp.
- Tiền đường chùa Thị Cấm. Photo NCCong ©2015
Di sản
Đến thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh 2 (1795) nhà chùa cho đúc một quả chuông đồng có tên chữ là “Linh Ứng Chung”. Đến năm Thành Thái (1903) dân làng lại đúc một đại hồng chung ghi 3 chữ “Linh Ứng Tự”. Ngoài hai quả chuông nói trên, trong chùa hiện còn lưu giữ được các tượng gỗ cổ mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII và XIX.
Đáng tiếc trong đợt trùng tu gần đây đã không khôi phục được những mảng chạm khắc gỗ rất đẹp và một số bia đá cổ vẫn bị để ở ngoài trời bên hông thiêu hương.
- Bên hông chùa Thị Cấm. Photo NCCong ©2015
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông): thôn Đình Quán, phường Phú Diễn.
- Chùa Hương Đỗ: thôn Hòe Thị, phường Phương Canh.
- Đình Hòe Thị: thôn Hòe Thị, phường Phương Canh.
- Đình Kiều Mai: thôn Kiều Mai, phường Phúc Diễn.
- Đình Ngọc Mạch: thôn Ngọc Mạch, phường Xuân Phương.
- Đình Thị Cấm: thôn Thị Cấm, phường Xuân Phương.
(698 Thi Cam pagoda ©NCCông 2020-2024)