700 Quan Doi temple 館堆靈祠

Đền Quán Đôi

q.Cầu GiấyTiền Lýs.Tô Lịch

Đền Quán Đôi có từ thế kỷ XIX. Tên chữ: 館 堆 靈 祠 Quán Đôi Linh Từ. Thờ: Hoàng hậu và hoàng nhi nhà Tiền Lý. Lễ hội: 20-21 tháng 5 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2008). Vị trí: 178 Nguyễn Đình Hoàn, 2RR4+55, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 6 Nguyễn Khánh Toàn, hoặc 290 Đường Bưởi, hoặc 18 Hoàng Quốc Việt.

Lược sử

Chính sử không chép về nhân vật Phương Nương được thờ tại đền Quán Đôi. Theo truyền thuyết dân gian và văn bia thần tích cũ, bà vốn là con gái của Trần Lữ, hào trưởng Tứ Kỳ, Hải Dương và trở thành hoàng hậu cuối cùng của triều Tiền Lý. Năm 602 quân nhà Tùy xâm lược nước ta, bà cùng con trai ba tuổi đi lánh nạn nhưng bị bắt. Phương Nương không chịu để tướng Lưu Phương ép hôn nên cả hai mẹ con bị giặc giết.

Về sau, dân làng lập miếu thờ gọi là Quán Đôi, nổi tiếng linh thiêng. Các vị vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong bà mẹ là Lý hoàng hậu, Trinh Khiết, Đoan Phương công chúa và hoàng nhi là Dũng Vũ, Cương Nghị, Thống hoàng đế đại vương. Ai đến tế lễ thỉnh cầu cần nhớ kiêng hai tên huý Phương và Thống.

Đền Quán Đôi được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 02/01/2008.

Đền Quán Đôi. Photo NCCong ©2020

Đền ở trên đất làng An Phú, gần đền ông bà Dầu ở Kẻ Bưởi, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Vùng này từng bị nhiều người tò mò kéo đến sau một sự việc xảy ra cuối năm 2001. Khi đó đội xây kè sông có tìm thấy xương người và động vật dưới bùn đen, thế rồi xuất hiện những chuyện đồn thổi về "Thánh vật ở sông Tô Lịch". Hai ngôi đền và vị trí xây kè đều ở gần cửa tây của La Thành là nơi từng có chợ trâu bò và những trận đánh đẫm máu nên khó có thể nói những xương đó liên quan sự tích ông bà Dầu thời Lý hoặc Cao Biền trấn yểm thời Đường. Gần đây có bản giới thiệu đền Quán Đôi, trong đó đã sửa sự tích triều Tiền Lý lùi 4 thế kỷ sang triều Lý.

Di sản

Trong đền hiện còn giữ được một số câu đối, hoành phi từ thời Nguyễn và tấm bia đá “Mục lục Thái Hoàng bi ký” do dân xã Duệ Tú dựng ngày 17 tháng 8 niên hiệu Bảo Đại 16 (1941). Văn bia có chép việc bốn đời vua nhà Nguyễn đã ban 5 đạo sắc phong cho Thần Mẹ và Thần Con, cụ thể vào các năm: 1857, 1880 (Tự Đức), 1887 (Đồng Khánh), 1909 (Duy Tân), 1924 (Khải Định).

Trước đền Quán Đôi: là sông Tô Lịch. Photo NCCong ©2020

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang giữ bản thần tích ghi là do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng mệnh sao năm Vĩnh Hựu 5 (1739). Theo đó Thần Mẹ sinh mùng 4 tháng 6 (âm lịch), lễ vật dùng cỗ chay, bánh chay; Thần Con sinh mùng 8 tháng 12, lễ vật dùng lợn, xôi, rượu; hai vị hoá ngày 21 tháng 5, trong cung dùng cỗ chay, bánh chay, ban ngoài dùng lợn, xôi, rượu và tổ chức lễ tế.

Kiến trúc

Bản thần tích trên cho biết Quán Đôi thời đó là một miếu nhỏ nằm dọc bờ sông theo trục bắc-nam, được xem là nơi “chính linh”. Về sau xoay hướng và xây lại thành một ngôi đền trên nền cao. Đền hình “chữ Nhất” gồm 3 gian, tường hồi bít đốc tay ngai, 2 trụ biểu có đắp câu đối chữ Hán. Bậc thềm dẫn khách bước lên hàng hiên hẹp. Gian giữa thờ Hoàng thái hậu và Thái tử. Ban bên hữu thờ vọng Đức Thánh Trần.

Trong đền Quán Đôi. Photo NCCong ©2020

Ngày nay, đền mang số 178 phố Nguyễn Đình Hoàn, mặt quay về hướng đông nhìn ra sông Tô Lịch. Phía trước đền ở bên kia hè phố có Lầu Cô, Lầu Cậu và các cổ thụ được gắn biển “cây di sản Việt Nam” vào năm 2012.

Di tích lân cận

700 Quan Doi temple ©NCCông 2020