706 Dong Ba community hall

Đình Đông Ba

quận Bắc Từ Liêmsông Hồngthời Hai Bà Trưng

Đình Đông Ba có từ thời Lê trung hưng. Thờ 3 thành hoàng: Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 3PWJ+X8, P. Thượng Cát, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 18 km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd cổng làng Thượng Cát 2 (xe 20b).

Lược sử

Đình Đông Ba thờ ba vị thành hoàng gồm Quách Lãng và hai chị em người cháu là Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương. Cả ba người làm tướng và đều quê ở động Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình). Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, họ sắm sửa quân trang, vũ khí rồi lên cửa sông Hát xin đi theo. Vua Bà giao cho họ nhiệm vụ đánh thành Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) do Tô Định - thái thú Giao Châu chiếm đóng.

Chiến thắng trở về, Quách Lãng được Vua Bà ban thưởng, phong tướng đóng quân ở làng Thượng Cát. Hai nàng lấy con ông chú vua là Trưng Lệnh, được 3 tháng đến ngày 10 tháng 3 khi đua thuyền ở sông Nhị Hà thì tự hóa. Khi Mã Viện sang xâm lược, Quách Lãng đã hy sinh trong chiến đấu. Về sau 3 vị được dân lập đền thờ. Riêng Quách Lãng do có công âm phù giúp Lý Phật Tử đánh bại Triệu Việt Vương nên được triều đình phong làm thành hoàng làng Thượng Cát với mỹ danh là “Linh ứng Minh trì Đô chiêu Thảo sứ Quách tướng quân Thượng đẳng thần” và tạc hai con ngựa để trong miếu thờ.

Trước đình Đông Ba. Photo NCCong ©2021

Đình Đông Ba được xây dựng từ thời Lê trung hưng nhưng khởi công chính xác vào năm nào thì còn chưa rõ. Chỉ biết đình đã trải qua hai đợt đại trùng tu dưới thời vua Tự Đức (1871) và vua Thành Thái (1902). Dáng vẻ hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn để lại từ hai lần tôn tạo đó.

Ngày 22-4-1992 đình Đông Ba và chùa Sùng Phúc Tự đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình Đông Ba nằm trên một khu đất ở giữa làng, xung quanh có tường bao vây kín. Tam quan được dựng theo kiểu 2 tầng 4 mái với hai trụ cao và có trang trí các hình tứ linh, hổ phù, thân đắp câu đối chữ Hán.

Mặt đình quay về phía đông bắc, nhìn ra một ao nước nhỏ hình bán nguyệt. Lưng đình dựa vào sân bên hữu chùa Sùng Phúc Tự mà bên tả chùa này lại là một ao nước nhỏ hình mũi nhọn. Quả thật cả quần thể đình-chùa trông từ trên cao giống như một con thuyền.

Sân đình Đông Ba. Photo NCCong ©2021

Sau cổng là sân với dãy tả hữu vu ở hai bên, ở giữa là toà tiền tế làm theo kiểu một phương đình 2 tầng 8 mái. Toà đại bái, ống muống và hậu cung được kết nối với nhau theo hình “chữ Công”. Hậu cung xây ba bệ gạch cao, trên đặt long ngai và bài vị của sáu thành hoàng. Kiến trúc và điêu khắc vẫn dùng kết cấu vì gỗ cổ truyền với các mảng chạm tứ linh trên cốn và hoa lá cách điệu. Bộ khung bên trong đình được trang trí với các mảng chạm rồng, mây, hoa văn.

Di sản

Vùng này ban đầu chỉ có một làng Kẻ Bầu, sau mới chia ra Thượng Cát và Hạ Cát (nay Hạ Cát đổi thành Đại Cát), vì thế 3 vị thành hoàng được thờ ở cả vùng và lễ hội hàng năm là dịp giao lưu các làng với nhau. Ngày 6 tháng 2 âm lịch làm lễ sinh nhật của tướng quân Quách Lãng, khi cúng dùng xôi, rượu, thịt trâu, bò; mở hội ca hát và đấu vật. Ngày ngài hóa là mùng 1 tháng Một, lễ cúng dùng lợn đen, xôi, rượu. Ngày 7 thánh Giêng làm lễ sinh nhật của Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương, khi cúng dùng lợn đen, xôi, rượu và diễn hội ca hát. Ngày 10 tháng 3 làm lễ hóa hai bà, mở hội ca hát và thi bơi thuyền. Ngày Khánh hạ làm vào mùng 10 tháng 8, lễ cúng dùng trâu, bò, xôi, rượu và diễn hội ca hát.

Ao đình Đông Ba. Photo NCCong ©2021

Đình Đông Ba lưu giữ được 18 đạo sắc phong của ba triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn, 02 tấm bia đá, 01 chuông đồng, 01 bộ kiệu võng, 06 long ngai, 01 pho tượng thánh, cùng sập gỗ, bát bửu, bộ kiệu hành và hương án chạm trổ tinh xảo. Trong đình còn có các câu đối: Sinh thành tướng mệnh, phù vua đuổi giặc ghi trang sử / Hóa hiển thần thiêng, giúp nước cứu dân tạc lưu truyền. Và: Giặc Bắc đến nhà, vì nước đuổi thù ba kiệt tướng / Trời Nam có chủ, cõi bờ giữ dựng một bà Vua.

Di tích lân cận

706 Dong Ba community hall ©NCCong 2021