710 Yen Noi temple

Đền Yên Nội

q.Bắc Từ Liêmnhà Trầnsông Nhuệ

Đền Yên Nội có từ thời Lê. Thờ: đức Hậu Chúa. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 3QM2+H8, ngõ 11 Yên Nội, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 17 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: đoạn giữa khúc đê Liên Mạc (xe 57)

Cổng làng Yên Nội mở ra đoạn giữa của khúc đê Liên Mạc chạy dọc bờ phía nam sông Hồng. Du khách có thể đến đây bằng bus số 57 đi từ Bãi đỗ xe Nam Thăng Long với quãng đường xa chừng 7 km. Nếu đi theo quốc lộ QL32 rồi từ ngã tư Nhổn rẽ sang các đường Tây Tựu, Trung Tựu và Yên Nội thì sẽ chỉ mất khoảng 4 km.

Khu đền Yên Nội. Photo NCCong ©2017

Lược sử

Thôn Yên Nội xưa có tên Nôm là Trại Noi. Đến đầu thế kỷ XX, dân số có 780 khẩu. Trước năm 1945 thuộc tổng Hạ Trì, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; sau thuộc xã Tân Tiến, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây. Tháng 4-1961, xã Tân Tiến đã được nhập vào huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1964, Tân Tiến đổi tên là xã Liên Mạc. Tháng 12-2013, khi thành lập quận Bắc Từ Liêm thì xã Liên Mạc trở thành phường Liên Mạc với diện tích 598 ha và dân số 12.966 nhân khẩu.

Phường Liên Mạc nằm dọc theo bờ đê sông Hồng, giới hạn bởi tỉnh lộ TL69 và sông Nhuệ. Hiện nay, đất canh tác ngoài đồng và bãi sông vẫn còn khá nhiều, gần đây chủ yếu được dân sở tại trồng cây ăn quả, rau và hoa. Đất thổ cư của thôn Yên Nội đã bị đô thị hóa gần hết, tuy vậy nhân dân đã gìn giữ được ba công trình có từ lâu đời, bao gồm: đình Yên Nội, chùa Thánh Quang Tự và đền thờ đức Hậu Chúa.

Lối vào đền Yên Nội. Photo NCCong ©2017

Đền này được lập từ thời Lê để tưởng nhớ công ơn của một bà công chúa thời Trần tên là Túc Trinh, sau khi hoá được tôn là đức Hậu Chúa. Bà có công chiêu mộ dân lưu tán về giúp cho 2 làng Yên Nội và Cổ Nhuế trở thành trù phú, phồn thịnh. Tương truyền, chùa Thánh Quang Tự cũng được bà Túc Trinh tổ chức xây dựng và khi về già chính bà đã từng tu hành tại đây.

Ngày 22-4-1992, đền Yên Nội được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đền thờ đức Hậu Chúa nằm ven con đường xóm cũ, nay được gắn biển mang tên là “ngõ 11 Yên Nội”. Cổng đền xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, mặt quay về hướng đông, phía trước là ao bán nguyệt và hồ nước nhỏ có tường hoa bao quanh. Hai bên cửa chính có hai cửa phụ xây kiểu chồng diêm, bốn đầu đao đắp hình rồng, hai đốc mái đắp hoa vân hình học, mái lợp giả ngói ống.

Đền Yên Nội. Photo NCCong ©2017

Du khách bước qua nghi môn vào sân sẽ thấy bên phải có một dãy tả vu, trước mặt là khu đền chính gồm 3 nếp nhà, mái lợp ngói ri, nằm song song với nhau thành hình “chữ Tam”. Tiền tế 5 gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trung tế 5 gian tường hồi bít đốc, kết cấu kiến trúc làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, trang trí chủ yếu bằng các hoa văn hình học, lá lật… Hậu cung 3 gian, gian giữa có một ban thờ đặt tượng đức Hậu Chúa ngồi trong khám.

Di sản

Trong đền hiện còn một pho tượng Công chúa Túc Trinh sơn son thếp vàng, một kiệu long đình có phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, một quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức 28 (1875). Năm 2009, đền thờ đức Hậu Chúa được tu sửa, các câu đối chữ Hán treo ở gian chính và các cột cũ bị xuống cấp nặng nên phải chạm khắc lại và cho thợ thủ công Sơn Đồng thực hiện.

Sân đền Yên Nội. Photo NCCong ©2017

Hàng năm, lễ giỗ của đức Hậu Chúa được tổ chức tại đền trong 3 ngày từ 30 tháng 7 đến mùng 2 tháng 8 âm lịch. Nhân dân Yên Nội và Cổ Nhuế cúng cơm chay gồm: oản quả với cơm tẻ, muối vừng, dưa, giá, trám đen, tương… theo đúng thói quen khi bà còn sống. Ngoài việc tiến hành lễ mộc dục, rước kiệu, dâng hương, cúng tế, còn có biểu diễn văn nghệ và chơi các trò dân gian như đánh cờ người, chọi gà...

Di tích lân cận

  • Chùa Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
  • Chùa Hoàng Liên: đường Liên Mạc, phường Liên Mạc.
  • Chùa Hoàng Xá: đường Liên Mạc, phường Liên Mạc.
  • Chùa Kỳ Vũ: phố Châu Đài, phường Thượng Cát.
  • Đền Hoàng: đường Liên Mạc, phường Liên Mạc.
  • Đình Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
  • Đình Thượng Cát: phố Châu Đài, phường Thượng Cát.

©NCCong 2021, Yen Noi temple