715 Vinh Phuc community hall
Đình Vĩnh Phúc
q.Ba Đìnhsông Tô LịchHoàng Phúc TrungĐình Vĩnh Phúc tức đình Xóm Giữa, có từ thời Lê. Thờ thành hoàng: Hoàng Phúc Trung. Hội làng: 21 tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 3 ngõ 515 Hoàng Hoa Thám, 2RV6+VQ, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,6km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd 580-582 Hoàng Hoa Thám (xe 14, 14ct, 45)
Địa lý
Phường Vĩnh Phúc được thành lập vào ngày 5-1-2005 trên cơ sở điều chỉnh phần đất đai và dân số của làng Vĩnh Phúc cũ tách khỏi phường Cống Vị. Phường có diện tích 74ha, năm 2005 dân số 15.743 người, mật độ 21.355 người/km², về phía đông giáp phường Liễu Giai, phía tây giáp 2 phường Nghĩa Đô, Quan Hoa thuộc quận Cầu Giấy, phía nam giáp phường Cống Vị, phía bắc giáp 2 phường Bưởi, Thụy Khuê thuộc quận Tây Hồ.
Làng Vĩnh Phúc nằm ở phía nam đoạn sông Tô Lịch trải dài theo con đường Hoàng Hoa Thám hiện nay. Đây là một trong 13 ấp trại nổi tiếng ở nam hoàng thành Thăng Long thời Lý mà tất cả đều thờ ngài Hoàng Phúc Trung, người lập ra “Thập tam trại” [1]. Trại vốn tên Cống Yên, năm 1866 đổi là Cống Trại. Đến đầu thế kỷ XX trở thành làng Vĩnh Phúc.
- Sân đình Vĩnh Phúc. Photo ©NCCong 2021
Làng Vĩnh Phúc gồm 3 xóm nhỏ, năm 1926 mới có 260 nhân khẩu với một lý trưởng cùng đầy đủ bộ máy giúp việc. Xóm Hạ ở phía đông giáp làng Đại Yên. Xóm Thượng ở phía bắc giáp làng Bưởi, tập trung những người họ Nguyễn và họ Trương, gốc làng Lệ Mật. Xóm Trung hay xóm Giữa có đông dân cư nhất, chủ yếu là họ Phạm và họ Nguyễn từ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa di cư ra đây hồi thế kỷ XVII.
Lược sử
Năm 1901 người Pháp xây bãi Quần Ngựa (nay là Cung thể thao Quần Ngựa) và năm 1927 Nhà Chung của Giáo phận Hà Nội lấy đất xây Nhà thờ Liễu Giai. Cho nên làng Vĩnh Phúc chỉ còn lại 41 mẫu ruộng công, dân nghèo hơn so với các làng bên. Làng có hai ngôi chùa: chùa Trên ở sát địa phận làng Đại Yên và chùa Dưới ở giáp làng Liễu Giai, không may đã bị phá hủy năm 1947. Làng còn có 2 ngôi đình vì 3 xóm ở hơi cách biệt nhau: đình Vĩnh Phúc là của dân cư xóm Hạ, đình Cống Yên là của dân xóm Giữa và xóm Thượng.
- Hông đình Vĩnh Phúc. Photo ©NCCong 2021
Kiến trúc và di sản
Đình Vĩnh Phúc đã trải qua nhiều lần tu sửa vẫn toạ lạc ở chỗ cũ phía nam bức tường thành đất thời Lý (nay là phố Hoàng Hoa Thám) và ngay cạnh cổng xóm Giữa. Sân đình có hai cửa to và đều mở ra con ngõ số 515 Hoàng Hoa Thám. Trong khuôn viên đã bị thu hẹp chỉ có toà đại đình và nhà hữu mạc 3 gian, bên cạnh Nhà Văn hố phường mới xây trên vị trí nhà tả mạc cũ. Toà tiền tế gồm 3 gian 2 chái, mặt quay về phíađ đông nam và kết nối với hậu cung sâu 2 gian theo mô hình “chữ Đinh”.
Đình Vĩnh Phúc là nơi diễn ra hội làng hàng năm vào ngày 21 tháng Ba âm lịch để tôn vinh ngài Hoàng Phúc Trung. Xưa kia gặp những năm được mùa, làng mở đại đám cùng với các làng trong khu “Thập tam trại” và mời đoàn đại biểu làng Lệ Mật đến làm lễ chung, có tổ chức các nghi thức và trò diễn giống như hội làng Lệ Mật.
- Trong đình Vĩnh Phúc. Photo ©NCCong 2021
Ngày 2 tháng 3 năm 1990 đình Vĩnh Phúc đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Mật Dụng: số 444 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Dực Thánh: ngõ 378 Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Đồng Cổ: số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Vệ Quốc: số 342 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Voi Phục Thụy Khuê: số 251 phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê.
- Đình Hồ Khẩu: ngõ 378 Thụy Khuê, phường Bưởi.
Chú thích
[1] “Thập tam trại” hình thành sau khi thái giám Hoàng Phúc Trung được vua Lý Nhân Tông (1066-1128) cho phép đưa dân làng Lệ Mật (nay ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) sang cư ngụ và khai hoang, do ngài có công tìm được xác con gái vua bị đuối nước trên sông Thiên Đức.
715 Vinh Phuc community hall©NCCông 2018-2021