716 Huong Tuyet pagoda
Chùa Hương Tuyết
q.Hai Bà Trưngnhà Nguyễns.Kim NgưuChùa Hương Tuyết xây năm 1912. Tên chữ: Hương Tuyết Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: ngõ 205 Bạch Mai, 2V32+QJ, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: 216-218 phố Bạch Mai, hoặc 92 Thanh Nhàn.
Lược sử
Chùa Hương Tuyết có nguồn gốc di dời vào khoảng năm 1894 từ một ngôi chùa cổ được xây dựng vào cuối thời Lê trung hưng tại ngõ Giếng Mứt của làng Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Chùa được Hòa thượng Thích Thông Toàn (Tổ thứ 4 chùa Bà Đá) cho xây dựng lại vào năm 1912 với kinh phí tài chính do gia đình Phật tử Đức Sinh cúng công đức. Các vị sư từng trụ trì tiếp theo lần lượt gồm: Sa môn Thích Thanh Lễ, Sa môn Thích Thanh Doãn, Ni sư Thích Đàm Tiến.
Nội dung bài ký trên tấm bia hậu dựng năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân 6 (1912) ở chùa Hương Tuyết ghi rõ: Ông Nguyễn Hữu Quang người phố Hàng Đào, phường Đồng Lạc, cùng vợ là Trương Thị Điều, phát tâm mua một khu vườn tư tại địa phận phường Bạch Mai, huyện Hoàn Long để xây chùa thờ Phật, cùng với việc tô tượng, đúc chuông… Đến năm Tân Hợi (1911), tháng 10, ngày lành thì xây xong, đặt tên là “Hương Tuyết Tự”.
- Tiền đường chùa Hương Tuyết. Photo NCCông ©2019
Theo hồi ký của ông Trần Văn Cung, một trong những thành viên sáng lập của Đông Dương Cộng Sản Đảng thì chùa Hương Tuyết là nơi họp một Hội nghị gồm hơn 200 đại biểu các tỉnh Bắc Kỳ của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng.
Ngày 16-3-1996 ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.
Kiến trúc và di vật
Cổng chùa hiện nay vốn là cổng hậu, nhìn về hướng tây và mở ra ngõ 205 Bạch Mai. Du khách đi qua cổng, sân trước và vườn tháp trước khi vào sân trong và thấy tiền đưởng quay về phía đông nam. Tiền đường và trung đường xây liền nhau, đều gồm 5 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai và nằm song song theo hình chữ “Nhị”.
- Vườn tháp chùa Hương Tuyết. Photo NCCông ©2019
Toà tiền đường có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Còn bộ khung trung đường được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ chuyền. Trên đầu các con rường, xà, kẻ được chạm nổi, bong kênh thành các hình hoa lá khá đơn giản với những họa tiết lặp đi lặp lại hình hoa thị và lá thực vật.
Thượng điện gồm 3 gian chạy dọc và đặc biệt kết nối với trung đường theo hình chữ “Đinh”. Tại gian giữa thượng điện có 2 bức cốn nách được kết cấu theo kiểu cốn mê, trên đó có chạm nổi đề tài rồng cuốn thủy khá công phu, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn hồi thế kỷ XX. Nhà Mẫu và nhà thờ Tổ đều được cấu tạo và bài trí nội thất theo kiểu truyền thống.
- Trong chùa Hương Tuyết. Photo NCCông ©2019
Chùa Hương Tuyết có một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông với trên 50 pho tượng tròn được tạo tác vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Trong chùa còn giữ được chuông đồng và bia đá thời Nguyễn, có nội dung ghi việc xây dựng chùa và tên những người công đức. Các di vật bằng gỗ gồm: hoành phi, câu đối, y môn, của võng, cuốn thư, hương án, long ngai, khám thờ, có chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quí, rồng chầu, hổ phù…
Di tích lân cận
- Chùa Liên Phái: ngõ Chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền.
- Chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn Tự): số 331 phố Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn.
- Chùa Vân Hồ: số 40 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành.
- Chùa Vua: số 33 phố Thịnh Yên, phường Phố Huế.
- Đền Đồng Nhân: số 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân.
- Đình Đại: ngõ Đình Đại, phố Bạch Mai, phường Ô Cầu Dền.
716 chua Huong Tuyet ©NCCông 2019