719 Mach Lung temple
Miếu Mạch Lũng
h.Đông Anhsông Hồnghuyền sửMiếu Mạch Lũng có từ thời Lê. Thờ: 3 anh em là tướng của vua Hùng thứ 18 và bà mẹ. Lễ hội: 10-12 tháng 2 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 4PCP+RW, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 26 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Miếu Mạch Lũng - Đê Tả Sông Hồng (xe 112)
Địa lý
Xã Đại Mạch thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Xã có diện tích 8.4 km², dân số năm 1999 là 8492 người, mật độ dân số đạt 1011 người/km². Địa giới hành chính phía đông bắc giáp xã Kim Chung, phía đông giáp xã Võng La, phía tây bắc giáp xã Tráng Việt và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), phía nam giáp phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), phía tây nam giáp xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Nhân dân chủ yếu làm nghề nông và buôn bán.
Xã Đại Mạch nằm cạnh đường Quốc lộ 23B, giáp khu công nghiệp Thăng Long, trong tương lai có Cầu Thượng Cát và tuyến đường sắt Đô thị nối với Vĩnh Phúc và Đường 5 kéo dài cùng các tuyến đường khác kết nối thuận lợi với đường sông, cảng biển, và sân bay Nội Bài.
- Cổng miếu Mạch Lũng. Photo NCCông ©2021
Lược sử
Miếu Mạch Lũng toạ lạc cạnh ngôi chùa Ngòi của thôn Mạch Lũng, tại một vùng đất bãi màu mỡ ở phía Bắc sông Hồng, thuộc xã Đại Mạch. Theo truyền thuyết dân gian, miếu thờ ba anh em vốn là thuỷ thần đầu thai lên trần - tự xưng Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba - và bà mẹ được tôn vinh là Thánh Mẫu Soa nương.
Nội dung bản thần tích viết bằng chữ Hán hiện đang lưu trong hậu cung cho biết: miếu được nhân dân địa phương xây từ thời xa xưa để thờ 3 anh em là danh tướng của Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18) sau khi họ chiến thắng rồi hoá về thủy cung. Cả ba ngài đều được vua phong là Minh Mỗ Đại Vương thượng đẳng thần vì đã có công chỉ huy thủy quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nhân dân.
- Ngày hội Miếu Mạch Lũng
Theo các chuyên gia, ngôi miếu đã được trùng tu và mở rộng qua nhiều thế kỷ. Hai lần đại trùng tu được ghi chép đầy đủ nhất là vào thế kỷ XVII thời Lê trung hưng và gần đây.
Ngày 18 tháng 01 năm 1993, miếu Mạch Lũng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Miếu Mạch Lũng hiện nay có khuôn viên rất rộng, tường xây bao quanh cây cối um tùm, chiếc cổng bên ngoài con ngõ dài mở về hướng Tây-Nam, nhìn ra sông Hồng. Nghi môn gồm 4 trụ biểu, trên trụ có đắp các câu đối chữ Hán. Bước qua các bậc thềm rồng lên sân miếu trên nền cao sẽ thấy tán lá các cổ thụ che mát 2 dãy tả hữu vu, ở giữa là toà đại bái xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.
- Lễ dâng hương
Phía sau là hậu cung, kết nối với toà đại bái theo hình “chữ Đinh”. Trong toà đại bái vẫn bảo lưu được những di vật có giá trị nghệ thuật cao và kiến trúc gồm những mảng trang trí, chạm trổ mang phong cách của thế kỷ XVII với các đề tài phong phú như: người đánh đàn, đấu vật, múa. Tại hậu cung có đặt ba bộ long ngai, bài vị của các Đại Vương.
Di sản
Bên cạnh một số tác phẩm nghệ thuật từ thời Lê và thời Nguyễn, trong miếu còn giữ được nhiều tư liệu quý, đều viết bằng chữ Hán, trong đó có 01 cuốn thần phả và 06 đạo sắc phong của các triều đại vua chúa Việt Nam. Sắc phong sớm nhất ghi niên hiệu Tự Đức 6 (1853), sắc phong muộn nhất ghi niên hiệu Khải Định 9 (1924).
- Ban thờ Thánh Mẫu
Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức việc tế lễ tại miếu Mạch Lũng trong ba ngày liền, từ mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch. Cứ 5 năm một lần lại diễn ra đại lễ với đám rước các kiệu. Ngoài ra còn có lễ hoá của Thánh Mẫu Soa nương vào ngày 15 tháng Năm âm lịch và lễ hoá của ba vị Đại Vương vào ngày 13 tháng Bảy âm lịch.
Di tích lân cận
- Chùa Diên Phúc: thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh.
- Đền Bà: thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.
- Đền Hai Bà Trưng: thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh huyện Mê Linh.
- Đình Cả: thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh.
- Đình Đông Cao: thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.
- Đình Văn Quán: thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh.
©NCCông 2014-2021, Mach Lung temple 719