728 Boi Ha community hall

Đình Bối Hà

q.Cầu Giấysông Tô LịchLê trung hưng

Đình Bối Hà có từ thời Lê. Thờ: thành hoàng Triệu Chí Thành, tướng của Triệu Việt Vương. Lễ hội: 11/1, 12/2, 12/8 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2012). Vị trí: số 86 phố Chùa Hà, 2QPW+Q4, Cầu Giấy, Hanoi, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 5,8km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: TTTM Cầu Giấy (xe 07, 16, 20, 26, 27, 28, 32, 34, 35, 39, 49), Đd 161 Trần Đăng Ninh (35, 39), cuối phố Nguyễn Văn Huyên (07, 12, 13, 38, 39)

Lược sử

Đình Bối Hà hiện nay tọa lạc tại số 86 phố Chùa Hà, thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm 7km về phía Tây. Trong đình có điện thờ thành hoàng là ngài Triệu Chí Thành [1] vốn là tướng của Triệu Việt Vương Quang Phục (?—571), người kế tục Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân nước Vạn Xuân chống lại cuộc xâm lược của nhà Lương. Đền thờ ngài nay là đình Thọ Tháp và đình Bối Hà, thuộc thôn Dịch Vọng Trung.

Ngôi đình đến cuối thế kỷ XX đã bị xuống cấp nghiêm trọng, sau được dân làng và khách thập phương đóng góp cho xây lại khang trang trong một khuôn viên đẹp đẽ.

Tượng Hộ pháp chùa Hà. Ảnh ©2013 NCCong

UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 16/05/2012 xếp hạng đình làng Bối Hà là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Kiến trúc và di sản

Bên cạnh tam quan chùa Hà là cổng đình làng Bối Hà mới sửa lại, trông hơi giống cổng chùa Láng. Đình quay mặt về hướng tây. Phía ngoài là thiên trụ, trên có đắp tượng tứ phượng, hổ phù và đôi câu đối chữ Hán:
“Điện vũ huy hoàng, nhân kiệt địa linh thiên cổ tại
Thần uy hạo đãng, dân khang vật thịnh vạn niên trường”.
 [2]

Cổng đình Bối Hà. Ảnh ©NCCong 2016

Bên cạnh thiên trụ có một nghi môn nhỏ, trên đề “Bối Hà miếu”. Sau nghi môn là sân lớn, tiếp đến là thiên trụ thứ hai ngăn cách với sân nhỏ. Trên thiên trụ này có đắp nổi tượng cặp trào phong (con nghê) và đôi câu đối chữ Hán:
“Thiên trụ y nhiên, trĩ đối Tản sơn tiêu thắng cảnh
Thần từ trác nhĩ, trường lưu Tô thủy chí danh lam”.
 [3]

Hiện nay sân bái đường đã lắp đặt khung sắt để làm rạp che mưa nắng trong các dịp hội làng. Trên mái đình có đắp đôi rồng chầu mặt trời ở giữa. Hai đầu bờ nóc được gắn tượng con si vẫn. Đình rộng 5 gian, cửa bức bàn. Bên trong toà đại bái là những hàng cột gỗ lim với những câu đối hình lòng máng nổi rõ chữ đen trên nền gấm.

Sân đình Bối Hà. Photo ©NCCông 2016

Tại gian giữa có bày bộ hương án lớn nhất với lư đồng, long ngai, bài vị, hai bên bày đồ tế khí, bát bửu và đôi hạc đứng trên lưng rùa, trên treo bức hoành phi đề “Thánh cung vạn tuế”. Gian này nối đại bái với hậu cung thành hình chuôi vồ, bên trong thờ đại vương Triệu Chí Thành.

Trong đình Bối Hà còn lưu giữ được hai đạo thần sắc cổ có giá trị lịch sử văn hoá. Một đạo đã được chép trong cuốn “ Hà Đông tỉnh Hoài Đức phủ Từ Liêm huyện Dịch Vọng tổng các xã thần sắc”.

Bái đường đình Bối Hà. Ảnh ©NCCong 2013

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2016, Boi Ha community hall

[1Thần tích ghi: Có ông Triệu Xương và bà Lý Thị Thích, người Chu Diên, trang Thái Bình luôn làm điều phúc đức, thường hay thắp hương cầu Trời khấn Phật ban cho mình một đứa con trai. Một đêm bà mơ thấy rắn hoa quấn quanh thân thể mình, đầy nhà hào quang sáng rực, bà được tặng một bông sen trắng rồi mang thai. Ngày 11 tháng Giêng bà sinh được một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, tướng mạo lạ thường. Hai ông bà vui lắm, liền đặt tên là Triệu Chí Thành. Lớn lên chàng rất giỏi âm luật, đánh đàn, thổi sáo thì không ai bằng. Bấy giờ, Triệu Việt Vương đóng đô ở Từ Liêm rồi rút về đầm Dạ Trạch để chống cự với quân của Trần Bá Tiên. Vua được Thánh Chử Đồng Tử ban móng rồng để làm nỏ thần đánh đuổi quân Lương, bèn giao cho Triệu Chí Thành chế tác. Nỏ của ngài mỗi lần bắn tiêu diệt hàng trăm quân địch. Vì vậy tướng Dương Sằn đã bị bắn chết, giặc đại bại chạy về Bắc quốc. Dẹp yên quân Lương xong cũng là lúc thiên sứ đem sắc chỉ của Ngọc Hoàng triệu ngài về thiên đình. Khi ngài đổ bệnh, vua đến thăm và hỏi: “Ngài cần gì trẫm sẽ báo đáp”. Triệu Chí Thành trả lời: “Thần không có ý nguyện gì, chỉ xin bệ hạ đem cờ tướng lệnh đã ban cho thần đến Thạch Bàn, Long Đầu, tung lên trời, cờ bay đến đâu xin cho nhân dân ở đó lập đền thờ và miễn mọi tô thuế, lao dịch cho họ”. Vua vui vẻ nhận lời. Ngày 12 tháng 8 năm đó liền sai đem cở tướng lệnh đến Thạch Bàn, Long Đầu tung cờ lên trời. Ngài lúc này cũng đã hóa. Cờ tướng lệnh bay đến trang Dịch Vọng Trung thì dừng lại. Sứ thần biết tin báo về tâu với vua. Vua cho nhân dân lập đền thờ Triệu Chí Thành, gia phong Đại Vương.

[2“Đền miếu huy hoàng, địa linh, nhân kiệt nghìn đời cổ
Uy thần vời vợi, của nhiều, dân khoẻ vạn năm dài”.

[3“Thiên trụ vững vàng, đối diện Tản Viên ngời thắng cảnh / Đền thần vòi vọi, chảy hoài Tô Lịch tỏ danh lam”