734 Van Sa pagoda

Chùa Vân Sa (Hoa Nghiêm Tự)

h.Ba VìLê trung hưngsông Hồng

Chùa làng Vân Sa có từ thời Lê. Tên chữ: Hoa Nghiêm Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1999). Vị trí: 7C8C+GW, thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 70km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Bến xe Tản Hồng (xe 70b).

Du khách từ trung tâm TP Hà Nội có thể lên xe đi về hướng tây khoảng 63km theo quốc lộ QL32 đến thị trấn Tây Đằng của huyện Ba Vì rồi rẽ về phía bắc và chạy tiếp 7km sẽ thấy đình và chùa làng Vân Sa ở mé bên tả đê Đại Hà, ngay dưới con dốc ở đầu con đường liên xã 94.

Cổng chùa Vân Sa. Photo ©NCCong 2016

Giới thiệu

Tản Hồng là một xã nhỏ ở phía Bắc dãy núi Tản Viên (Ba Vì) với khoảng 13 nghìn nhân khẩu của gần 3 nghìn hộ gia đình và tổng diện tích đất tự nhiên rộng chừng 8,8km2. Phía đông xã giáp sông Hồng, bên kia sông là đất của 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Phía Tây giáp xã Vạn Thắng, phía Nam giáp xã Châu Sơn, phía Bắc giáp xã Phú Cường, tất cả 3 xã này cũng đều thuộc huyện Ba Vì.

Xã Tản Hồng gồm 4 thôn, chia làm 19 cụm dân cư, trong đó có thôn Vân Sa nằm ở cuối xã về phía Đông-Nam và giáp xã Châu Sơn. Dân thôn này chủ yếu sống bằng nghề buôn và trồng trọt trên vùng đất bãi màu mỡ bên ngoài đê Đại Hà, đối diện ngã ba con đường liên xã 94. Vân Sa cũng là tên một bến đò trên sông Hồng từng nổi tiếng trước kia mà nay không còn nữa.

Gác chuông chùa Vân Sa. Photo ©NCCong 2016

Chùa Hoa Nghiêm nằm tại tọa độ 21°15’59"N 105°25’20"E, thuộc đất thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Theo nội dung bi ký trên tấm bia đá ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh 永 盛 thứ 2 (vua Lê Dụ Tông), chùa được lập không sau năm 1706 tức thời Lê Trung hưng. Đến năm 1999, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng ngôi chùa là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Hoa Nghiêm toạ lạc ngay sau đình làng Vân Sa. Trong đợt trùng tu năm 2020, sân chùa được mở rộng gần gấp đôi bằng cách dịch chuyển tam quan nội ra cạnh cây đa, sát con đường liên xã 94 và thay thế cho cổng nghi môn cũ. Cổng mới vẫn giữ nguyên kiến trúc 2 tầng 8 mái kiểu cuối thời Nguyễn. Phía bên phải là lưng đình, còn phía bên trái có một cái cầu bắc ra lầu Quan Âm ở trên ao chùa, cũng mới xây.

Trong chùa Vân Sa. Photo ©NCCong 2019

Toà tiền đường 5 gian 2 dĩ nằm ở cuối sân, mặt nhìn về phía đông-nam. Hai bên là dãy nhà tả hữu vu 5 gian, cũng xây kiểu tường hồi bít đốc trên nền cao 5 bậc, hàng hiên làm đơn giản. Toà tiền đường kết nối với thiêu hương và thượng điện thành hình “chữ Công”. Bên trái chùa là vườn tháp giữa một khuôn viên bắt đầu bị mấy hộ dân xây nhà áp sát vào.

Di vật

Có giá trị nghệ thuật cao nhất trong chùa Vân Sa là một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông khá đầy đủ và mang phong cách điêu khắc từ thời Lê Trung hưng. Ngoài ra tại đây còn trưng bày một số tác phẩm sinh động và đặc sắc với nguồn gốc chưa thật rõ ràng.

Tượng chùa Vân Sa. Photo ©NCCong 2019

Di tích lân cận

©NCCông 2016-2021, Van Sa pagoda