735 Binh Minh Community Hall
Đình Bình Minh (Cổ Bi)
h.Gia LâmLê trung hưngsông ĐuốngĐình Bình Minh có từ năm 1727. Thờ: chúa Trịnh Cương. Lễ hội: 18/2 âl. Xếp hạng: Di tích cấp hành phố (2007). Vị trí: 2WCV+W53, Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 13km (hướng 3h). Trạm bus: Trung tâm Thể Dục Thể Thao Gia Lâm.
Địa lý
Xã Cổ Bi là một trong những vùng định cư nằm ven sông Đuống của người Việt cổ, nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Địa giới phía bắc giáp 2 xã Dương Hà, Phù Đổng; phía nam giáp thị trấn Trâu Quỳ và quốc lộ 5; phía đông giáp xã Đặng Xá; phía tây giáp quốc lộ 1B và phường Phúc Lợi. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 503 ha, dân số năm 2012 là 10.254 người, sống trong 2.950 hộ.
Theo dân sở tại, Cổ Bi từng là nơi đóng đại bản doanh của quân đội các triều đại: Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần, nhà Lê. Xã gồm thôn Vàng, thôn Cam và thôn Hội, cả 3 thôn đều có đình chùa riêng. Nội dung văn bản thần phả được lưu giữ bên trong hậu cung những ngôi đình đã cho biết nhiều truyền thuyết về các vị thành hoàng làng. "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi Cổ Bi thời vua Hùng thuộc bộ Vũ Ninh nổi tiếng với 3 địa danh được gọi là "Tam Cổ" [1].
- Hổ đá ở đình Bình Minh
Đến thời Lý, Cổ Bi thuộc đất Long Biên, phủ Thuận Đức; thời Trần thuộc lộ Bắc Giang, phủ Thuận An, đạo Diên Bắc; thời Lê thuộc trấn Kinh Bắc; thời Nguyễn thuộc trấn Bắc Ninh, sau đổi là tỉnh Bắc Ninh.
Lược sử
Năm 1727, chúa Trịnh Cương cho xây hành cung Cổ Bi, gọi là phủ Kim Thành. Kết quả khai quật và đối chiếu sử liệu cho biết có tường thành đất bao bọc kéo dài từ đê sông Đuống đến dốc Lời, qua TT Trâu Quỳ sang đê Hội Xá. Trên gò là phủ chúa; hai bên có các tượng linh thú chầu; xung quanh là hành dinh của tùy tùng. [Tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều tạp kỷ, Việt sử cương mục, Bắc Ninh tỉnh chí.]
- Tượng linh thú tại đình Bình Minh. Photo ©NCCong 2022
Tháng 7-1729, đê Cự Linh bị vỡ khiến hành cung đổ nát. Tháng 11 năm ấy, chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời. Sau đó, chúa Trịnh Giang lên kế vị đã cho dỡ hành cung lấy vật liệu xây dựng chùa Quỳnh Lâm tại huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và chùa Sùng Nghiêm tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Năm 1755, chúa Trịnh Doanh cho phục dựng lại hành cung Cổ Bi và xây thêm cung miếu tại đây. Năm 1787-1788, hành cung đã bị quân của vua Lê Chiêu Thống đốt phá để trả thù.
- Cổng đình Bình Minh. Photo ©NCCong 2022
Sang thời Nguyễn, hành cung chỉ là một phế tích với những pho tượng sấu đá, voi đá và hổ đá bằng đá xanh còn sót lại. Nhiều năm sau, người dân trong vùng dựng lên một ngôi đình trên gò đất và thờ chúa Trịnh Cương làm thành hoàng làng. Thời Pháp thuộc, khu đầm lầy xung quanh trở thành đồn điền Marty.[2]
Kiến trúc và di sản
Năm 1947, ngôi đình đã bị phá hủy từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1998, nhân dân sở tại quyên góp xây lại đình Bình Minh trên nền đình cũ. Năm 2005, tiếp tục đóng góp kinh phí xây tường bao quanh khuôn viên, mở rộng ngôi đình thành 5 gian và dựng thêm nghi môn. Năm 2020, hạ giải đại đình ra xây lại, sửa sang hai dãy tả hữu vu và giếng tròn ở phía trước bên hữu đình.
- Sân đình Bình Minh. Photo ©NCCong 2022
Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân trụ đắp câu đối chữ Hán. Sau cổng là các bậc dẫn khách đi giữa hai hàng tượng linh thú lên sân đình. Hai dãy tả, hữu vu nằm đối diện qua sân. Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái cửa bức bàn nhìn về phía nam. Bốn mái lợp ngói ri, các đầu đao uốn cong. Toà hậu cung sâu 3 gian kết nối với gian giữa đại bái theo hình “chữ Đinh”. Trong hậu cung có bàn thờ và tượng chúa Trịnh Cương ngồi trên long ngai.
Lễ hội đình Bình Minh được tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng Hai âm lịch.
Năm 2007, đình Bình Minh được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá của thành phố.
- Trong đình Bình Minh. Photo ©NCCong 2022
Di tích lân cận
- Chùa Đào Xuyên:XWVJ+5Q, xã Đa Tốn.
- Chùa Sủi: 2X97+8J, Phố Sủi, xã Phú Thị.
- Chùa Thôn Cam: 2WHV+F7, xã Cổ Bi.
- Đền Nguyên Phi Ỷ Lan: 2X29+68, xã Dương Xá.
- Đình Thôn Vàng: 2WMQ+VPR, xã Cổ Bi.
- Đình Thượng Đồng: 2WWH+4M, phường Phúc Lợi.
735: Dinh Binh Minh ©NCCông 2021
CHÚ THÍCH
[1] Trong dân gian có câu: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”.
[2] Xưa cánh đồng nam Nông Vụ Thượng bị thực dân Pháp chiếm, lập đồn điền Loisy; dân ta gọi là Đồn Bò, Nhà Bò, rồi thành Phố Bò (nay là phố Vũ Xuân Thiều, phường Sài Đồng). Lại có dân phiêu tán tới định cư trên đất làng Nông Vụ Thượng, gọi là Đông Lâm Sở (còn có tên khác là thôn Vụ Đồng, hoặc làng Sở). Những làng "Sở" thường được lập vào thời Lý Trần Lê cho quan quân Việt và tù nhân Champa canh tác, như Yên Sở (Hoài Đức), Sở Trường Lâm, Sở Kim Quan (Long Biên), Sở Thượng, Sở Hạ, Sở Yên Duyên (Hoàng Mai) v.v..