736 Nhan Trach community hall
Đình Nhân Trạch
sông ĐáyHai Bà Trưngq.Hà ĐôngĐình làng Nhân Trạch có từ năm 1643. Thờ: 2 vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung, tướng của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: WQR7+FW, đường Phú Cường, P. Phú Lương, Q. Hà Đông, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 17km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 124 Phố Xốm (xe 33, 78, 91)
Lược sử
Theo thần phả lưu giữ trong hậu cung đình Nhân Trạch, nhị vị thành hoàng làng được thờ tại đây là vợ chồng tướng Đào Kỳ - Phương Dung, từng giúp Hai Bà Trưng đối đầu các đoàn quân Hán của Tô Định và Mã Viện. Sau khi hoá, lại có công âm phù Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Niên hiệu Thái Bình (968-979), vua Đinh đã ban sắc phong thần và lập am thờ hai vị. Niên hiệu Thiên Phúc (980-988), vua Lê Hoàn cho xây am quay về phía đông nam. Đến thời Lý, am lại xoay sang phía tây.
Năm Dương Hòa thứ 3 (Đinh Sửu 1637) dưới đời vua Lê Thần Tông 黎 神 宗, đình làng Nhân Trạch được khởi dựng, đến năm Quý Mùi 1643 thì hoàn thành. Năm Tự Đức thứ 28 (Ất Hợi 1875), đình được trùng tu lần thứ nhất. Năm Nhâm Dần 1902, phương đình và các công trình phụ được xây thêm. Năm Ất Sửu 1925, đại đình được tôn cao và ổn định dáng dấp cho đến ngày nay.
- Phía trước đình Nhân Trạch. Photo ©NCCong 2021
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Không lực Hoa Kỳ, Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng và bộ phận Tham mưu do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ phụ trách đã về làm việc tại đình làng từ năm 1969 đến 1973. Đồng thời, Khoa Ngoại của Bệnh viện Quân y 103 cũng về sơ tán tại đây.
Tháng 2 năm 1986, đình Nhân Trạch đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Tháng 4-2008, đình Nhân Trạch được trùng tu lần thứ hai nhưng vẫn còn giữ được vài cổ thụ trong một khuôn viên vuông vắn có tường vây kín. Cổng nghi môn gồm 2 trụ biểu lớn và 2 cửa bên, cửa giữa được che bởi một bức bình phong, phía trước là một ao sen nhỏ hình chữ nhật được xây bao quanh bằng một bức tường đá.
- Toà tiền tế và mặt trước đại đình Nhân Trạch. Photo ©NCCong 2021
Sau cổng là toà tiền tế xây kiểu phương đình hai tầng 8 mái, trông rất thông thoáng với các cây cột thanh thoát. Hai bên là dãy nhà tả, hữu vu. Toà đại đình gồm 3 gian 2 chái, cửa gỗ bức bàn, gian giữa nằm sát toà tiền tế và được nối liền vào hậu cung theo hình chuôi vồ. Bên trong đình có nhiều bức hoành phi và câu đối được sơn son thiếp vàng trang trí lộng lẫy.
Lễ hội
Lễ hội làng Nhân Trạch bắt đầu từ sáng ngày mồng 8 đến hết ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Theo lời các cụ già địa phương, tục lệ này có từ thời Tiền Lê (980-1009). Hiện nay, hằng năm, nhân dân sở tại tổ chức cúng tế, dâng hương, dâng rượu, dâng quả, dâng hoa lên nhị vị thành hoàng và đọc văn tế để tỏ lòng biết ơn. Ngoài ra còn có lễ rước các cụ Thất (người thọ lên tuổi 70 trong năm) về đình làng.
- Trong đình Nhân Trạch. Photo ©NCCong 2021
Hội làng Nhân Trạch thường diễn ra với sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương và cả khách thập phương. Ngoài những trò vui dân gian truyền thống như: múa sư tử, chọi gà, cờ tướng, đập liêu, bịt mắt bắt vịt... từ năm 2019 hội làng lại có thêm tiết mục mới là hát quan họ tại ao đình.
Di tích lân cận
- Chùa Nhân Trạch: số 261 đường Phú Lương, phường Phú Lương.
- Chùa Thanh Lãm: số 253 đường Thanh Lãm, phường Phú Lãm.
- Chùa Quang Lãm: ngõ 8 đường Quang Lãm, phường Phú Lãm.
- Đình Thanh Lãm: số 251 đường Thanh Lãm, phường Phú Lãm.
- Đình Văn Nội: số 65 đường Văn Nội, phường Phú Lương.
- Lăng mộ tướng Chu Bá: ngõ 21 Văn Nội, phường Phú Lương.
- Miếu Linh Tiên: ngõ Ao Sen, đường Thanh Lãm, phường Phú Lãm.
736 Nhan Trach community hall ©NCCông 2011-2021