744 Duc Tu pagoda
Chùa Dục Tú (Tiên Cảnh Tự)
h.Đông AnhLê trung hưngsông ĐuốngChùa làng Dục Tú tương truyền có từ thời Ngô Quyền. Tên chữ: Tiên Cảnh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 4V8V+Q7, xã Dục Tú, H. Đông Anh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 16km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: Đd cổng vào thôn Phúc Hậu (xe 65)
Địa lý
Đầu công nguyên, đất Dục Tú thuộc trang Đường An. Thời Lê, thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Đầu thời Nguyễn, nằm trong tổng Dục Tú, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Đầu thế kỷ XX, trực thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ ngày 31 tháng 5 năm 1961, xã Dục Tú trực thuộc huyện Đông Anh, nhập vào thành phố Hà Nội.
Theo thống kê năm 2004, xã có 15.976 dân, chủ yếu làm nghề nông. Tổng diện tích tự nhiên hơn 848 ha. Phía nam giáp 2 xã Đông Hội, Xuân Canh, tây giáp xã Cổ Loa đều thuộc Đông Anh, đông giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội), bắc giáp xã Châu Phong (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hiện trong xã có 2 con đường Gia Lương và Dục Tú chạy qua 8 ngôi làng cũ: Ngọc Lôi, Đình Tràng, Thạc Quả, Dục Tú, Phúc Hậu, Lý Nhân, Đồng Dầu, Nghĩa Vũ.
- Cổng làng Dục Tú. Photo NCCong ©2021
Lược sử
Theo truyền thuyết của dân làng Dục Tú, ngôi chùa Tiên Cảnh được dựng trên bờ sông Cổ Giang vào đời đức vua Ngô Quyền (thế kỷ X) và do công đức của nhiều người đóng góp, trong đó có hai bà thứ phi xuất thân từ chính nơi đây.
Đầu tiên chùa có tên là chùa Thức, sau lần lượt được gọi là chùa Hội, chùa Đào, chùa Bà Tông… Đến khi mang tên chùa Chợ Vòng thì bị phá, dân làng phải di chuyển về ngôi nhà Thọ Lão của đình Dục Tú và đặt tên chữ là Tiên Cảnh Tự.
Năm 1995, ngôi chùa Tiên Cảnh (và đình Dục Tú) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
- Sân chùa Dục Tú. Photo ©NCCông 2021
Kiến trúc và di vật
Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu lớn vào các năm: Quý Dậu đời vua Gia Long (1813), Ất Mùi đời vua Minh Mạng (1835), Tân Hợi đời vua Tự Đức (1851). Ngôi chùa hiện nay sau đợt đại tu đầu thế kỷ XXI vẫn mang dáng dấp của nhà Thọ Lão được dựng vào năm 1887 và trước sân có xây thêm tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát.
Chùa chính nằm bên hữu đình làng, mặt quay về hướng đông nam, bố cục gồm 2 nếp nhà 3 gian 2 dĩ nằm song song theo hình “chữ Nhị”. Bên cạnh còn có nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà Tăng. Trong chùa còn giữ được khá nhiều cổ vật gồm các pho tượng Phật giáo Bắc tông như Tam Thế Phật, Thập điện Diêm vương, Phật Di Lặc, bia đá, và quả chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 16 (1835).
- Tiền đường chùa Dục Tú. Photo NCCông ©2021
Di tích lân cận
- Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn Tự): thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa.
- Đền An Dương Vương: thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa.
- Đình Dục Tú: thôn Dục Tú, xã Dục Tú.
- Đình Đồng Dầu: thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú.
- Đình Lý Nhân: thôn Lý Nhân, xã Dục Tú.
- Đình Mạch Tràng: thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa.
©NCCông 2021, Duc Tu pagoda