745 Hoi Xuan community hall

Đình Hội Xuân

q.Thanh Xuânsông Tô Lịchhuyền sử

Đình Hội Xuân có từ trước năm 1701. Thờ thành hoàng: Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng Công. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: số 144 phố Quan Nhân, 2R36+WG, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,8 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Nhà Chờ Hoàng Đạo Thuý, 33 Lê Văn Lương (xe 30, 30ct, 84), Đd 227 Giáp Nhất (104).

Lược sử

Đình Hội Xuân là một thành phần trong cụm kiến trúc văn hoá của đình Quan Nhân và có từ trước năm 1701. Hai đình cách nhau 200m, đều thuộc phường Nhân Chính và thờ thành hoàng làng là Trung Nghĩa đại vương tức Hùng Lãng Công, cháu đời thứ 9 của Hùng Hiền Vương. Hùng Lãng Công lấy bà Trương Mỵ Nương người làng Mọc. Ngài từng trấn thủ huyện Vũ Tiên và có công dẹp quân Nam Chiếu, sau bị mắc mưu giặc phải tự vẫn.

Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân tăng lên đông đúc, phải chia thành 2 xã Nhân Mục Cựu (gồm Thượng Đình, Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Đến nay một số thôn này vẫn được gọi trong dân gian với tiếng Mọc kèm vào đầu. Xã Nhân Mục sau đổi tên Nhân Chính, thuộc huyện Từ Liêm; từ 1-1-1997 trở thành một phường của quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Đình Hội Xuân. Photo NCCong ©2018

Hàng năm vào mùa xuân nhân dân sở tại tổ chức các nghi lễ hội làng Mọc Quan Nhân tại đây nên gọi là đình Hội Xuân.

Năm 1989, đình Hội Xuân [và đình Quan Nhân] đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình Hội Xuân nhìn hơi chếch về hướng đông, mặt giáp phố Quan Nhân. Cổng đình được làm theo kiểu nghi môn, bao gồm hai trụ biểu nằm giữa tượng đôi voi quỳ đắp nổi trên bức tường phía trước. Cạnh mỗi phù điêu là một cổng phụ nhỏ ăn thông vào hàng hiên của dãy nhà tả hữu vu với các cây cột tròn bằng bê tông đối diện qua sân gạch.

Sân đình Hội Xuân. Photo ©NCCong 2018

Đình nằm ở cuối sân, mặt bằng xây dựng có hình “chữ Nhất”. Tiền tế gồm 3 gian có hàng hiên nhỏ, hậu cung cũng 3 gian nhưng xây kiểu 2 tầng 8 mái. Bộ vì kèo làm kiểu chồng rường, mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao uốn cong vút. Sau lưng hậu cung là khoảng vườn với hai cổ thụ toả bóng xuống mái đình.Bức tường bên hữu đình giáp con ngõ 144 Quan Nhân chạy về phía tây, đi qua một nghi môn và xẻ đôi hồ nước dài của làng, dẫn khách đến một hồ sen khác nhỏ hơn với đình Quan Nhân và chùa Sùng Phúc nằm ngay ven bờ. Trên đoạn đường xuyên hồ còn có nhà Mộc Dục xây hai tầng tám mái, dùng làm nơi tắm tượng thành hoàng trong những dịp lễ hội.

Di sản

Đình Hội Xuân vốn là một bộ phận của đình Quan Nhân nên mang đầy đủ các giá trị lịch sử văn hoá truyền thống của làng Mọc. Lễ hội làng Mọc được tổ chức tại đây vào mùa xuân, đúng ngày mùng 10 tháng Hai âm lịch hàng năm.

Hông đình Hội Xuân. Photo ©NCCong 2018

Trong đình Quan Nhân hiện nay vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý gồm: 01 tấm biển đồng ghi sự tích thành hoàng rộng 105cm và cao 65cm, 03 đạo sắc phong thần của thời Lê trung hưng, 09 đạo sắc phong của thời Nguyễn, 24 tấm bia đá, bia cổ nhất mang niên hiệu Chính Hoà thứ 22 (Tân Tỵ 1701), 01 khánh đồng đúc năm Tự Đức thứ 29 (Bính Tý 1876), cùng mấy thứ đồ phụng sự như cỗ kiệu bát cống, sập thờ, hương án, long ngai bài vị và bộ bát bửu.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2021, Hoi Xuan community hall