748 Dong Du Ha pagoda
Chùa Đông Dư Hạ (Phù Quang Tự)
h.Gia Lâmnhà Nguyễnsông HồngChùa làng Đông Dư Hạ có từ thời Nguyễn. Tên chữ: Phù Quang Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2007). Vị trí: XWR8+6C, xã Đông Dư, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 12km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Km9 đường DT378 (xe 47A)
Lược sử
Thôn Đông Dư có tên Nôm là làng Gỏi. Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì địa danh Đông Dư có từ cuối thời Tiền Lê (981-1009). Đến cuối thời Hậu Lê, tại đây hình thành dần dần hai cụm dân cư rồi tách ra làm hai làng Gỏi Thượng và Gỏi Hạ. Ngoài ra, một bộ phận dân cư đã vượt sông Hồng sang lập nghiệp trên đất huyện Thanh Trì, lập thành làng Nam Dư (nay thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), lúc đầu sống dựa nhờ làng gốc nên có tên Nôm là làng Dựa.
Đầu thời Nguyễn, làng Gỏi là một xã gồm 2 thôn Thượng, Hạ, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm 1945, hai thôn sáp nhập với ấp Thuận Phúc (tên Nôm là Đít Đó) thành một xã mới mang tên Thừa Thiên, thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Đến tháng 5-1961, huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Thừa Thiên lại đổi tên thành Đông Dư. Xã có diện tích 3,54 km², dân số 4.213 người năm 2012. Trước có trồng giống rau cải bẹ và loại ổi găng đều rất ngon.
- Ao chùa Đông Dư Hạ. Photo ©NCCong 2021
Ngôi chùa làng có tên chữ là Phù Quang Tự, được xây muộn nhất cũng vào thời Nguyễn. Nằm sát ngay góc phía nam của khuôn viên ngôi đình Đông Dư Hạ, chùa có tổng diện tích rộng khoảng 4000m2 và mở cổng ra con đường làng, lưng thì cũng giáp với hồ câu Thiên Đường. Năm 2007, chùa [và đình] làng Đông Dư Hạ đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Kiến trúc
Ngôi chùa Phù Quang đã trải qua vài lần trùng tu, mở rộng, tô tượng, đúc chuông... Đáng vẻ chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và định hình với cổng tam quan, lầu Quan Âm, tường bao và nhà Mẫu - nhà Tổ được tôn tạo gần đây vào năm 2005. Phía trước tam quan lại mới đắp kè xung quang ao sen, xây cầu và dựng tượng đài Quan Âm ở giữa.
- Tiền đường chùa Đông Dư Hạ. Photo ©NCCong 2021
Sau cổng là sân trước khá thấp, ở giữa là ngôi lầu xây kiểu lục giác, hai tầng, 16 mái che pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Toà nhà phía sau có gian giữa để thờ Mẫu, bên phải thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, bên trái thờ Tổ. Chùa chính nằm trên nền cao bên hữu tam quan, mặt nhìn về hướng tây; kêt cấu theo hình chuôi vồ, gồm toà tiền đường rộng 5 gian với 4 bộ vì kiểu giá chiêng và Phật điện sâu 3 gian, các mái đều lợp ngói ri, sàn lát gạch hoa. Khu sau là nhà khách và nhà tăng.
Di vật
Trong chùa Phù Quang hiện lưu giữ được 05 bức hoành phi, 06 đôi câu đối, 01 quả chuông đồng ghi rõ năm đúc là "Hoàng triều Tự Đức tam thập tứ niên" (tức 1881) và đặc biệt còn 20 pho tượng gỗ, tất cả đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Niên hiệu "Gia Long nhị niên xuân" (1803) đã được tìm thấy trên bức hoành phi đề "Trần triều hiển thánh" nay treo trong đền Mẫu. Như vậy chúng ta có thể đoán định thời gian xây dựng ngôi chùa muộn nhất là vào thế kỷ XIX.
- Sân chùa Đông Dư Hạ. Photo ©NCCong 2021
Di tích lân cận
- Chùa Đào Xuyên: thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn.
- Chùa Khoan Tế (Cự Đà Tự): thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Chùa Thổ Khối: đường ĐT378, phường Cự Khối.
- Đình Bát Tràng: thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng.
- Đình Khoan Tế: thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Đình Thổ Khối: đường ĐT378, phường Cự Khối.
©NCCông 2014-2021, Dong Du Ha pagoda