751 Linh Tien temple

Miếu Linh Tiên

q.Hà ĐôngHai Bà Trưngsông Đáy

Miếu Linh Tiên còn gọi là đền Thanh Lãm, có từ thời Lê. Thờ 3 tướng của Hai Bà Trưng: Đinh Cống, Đinh Lượng và Phùng Thị Chính. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: WQW2+6W, ngõ Ao Sen, đường Thanh Lãm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 14km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: BX Yên Nghĩa.

Lược sử

Xưa kia Phú Lãm vốn là một xã thuộc huyện Thanh Oai, các di tích lịch sử - văn hoá của phường chủ yếu nằm trên địa bàn mấy ngôi làng cũ như Huyền Kỳ, Quang Lãm và Thanh Lãm. Thôn Thanh Lãm vốn là đất trang Thuấn Lãm, đến năm Tự Đức thứ 10 (1857) đổi tên là thôn Thanh Khê.

Ngoài đình và chùa, dân làng Thanh Lãm còn có một ngôi miếu xây từ thời Lê trung hưng, gọi là miếu Linh Tiên. Thuấn Lãm được ghi trong tấm bia đá dựng năm Dương Hoà 3 (1637) hiện vẫn còn bảo lưu trong miếu Linh Tiên ở phía đông đình làng, cách nhau chỉ 300m.

Năm 1989, miếu Linh Tiên [và đình, chùa làng Thanh Lãm] được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia

Cầu vào miếu Linh Tiên. Photo ©NCCong 2021

Theo truyền thuyết, Phùng Thị Chính là cháu họ của Bà Trưng, lấy Đinh Lượng là gia thần của Thi Sách. Sau khi chồng bị thái thú Tô Định giết, bà bèn tham gia hội thề Hát Môn rồi giả làm người ăn xin vào thành Luy Lâu dò xét tình hình, giúp nghĩa quân đánh đuổi quân Hán. Sau khi lên ngôi vua, Trưng Trắc phong cho bà chức Trưởng thị nội tướng quân, Phó thống lĩnh đội tế tác.

Năm 43, Mã Viện sang xâm lược, Hai Bà Trưng tuẫn tiết, Phùng Thị Chính kịp lui quân về Tuấn Xuyên (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) tiếp tục chiến đấu đến người cuối cùng rồi cũng tự sát, không đầu hàng. Đời sau, dân Thanh Lãm đã xây miếu thờ bà cùng hai tướng khác của Hai Bà Trưng là Đinh Cống và Đinh Lượng. Các triều đại đã vinh phong 3 vị làm thành hoàng làng. Tên Phùng Thị Chính còn được đặt cho một con đường dài thuộc phường Phù Liễn, quận Kiến An, TP Hải Phòng.

Cổng miếu Linh Tiên. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Miếu Linh Tiên toạ lạc trong một khuôn viên vuông vắn có diện tích rộng 4.458m2. Công trình đã nhiều lần được trùng tu, lần gần đây vào năm 2016. Phía đông miếu mới xây kè đá bao quanh một giếng to nằm dưới gốc đa cổ thụ và mở thêm chiếc cổng phụ ra ngõ làng. Phía nam là cổng nghi môn gồm trụ biểu nhìn qua cây cầu dài bắc trên một ao sen giáp với đường Thanh Lãm.

Trước nghi môn có tượng đôi voi quỳ, phía sau là vườn cây và sân miếu nằm giữa 2 nhà giải vũ. Ngôi miếu có kiến trúc hình chuôi vồ, các tấm bia cổ đặt ở đầu hiên và bên trong toà đại bái, Bộ vì kèo làm theo kiểu chồng rường, kẻ bẩy, mái lợp ngói ri, giữa bờ nóc có đắp hình đôi rồng chầu mặt trời. Bên dưới là các hàng cột gỗ lim to. Các mảng trang trí có hoa văn lá lật, nghệ thuật điêu khắc khá đơn giản. Bài trí thờ tự trang nghiêm.

Sân miếu Linh Tiên. Photo ©NCCong 2021

Di vật

Ngoài tấm bia quý, miếu Linh Tiên còn có các câu đối hay:
Chất bản trang từ sinh phúc nữ
Địa trung linh khí tử thiên thần.

[Đền miếu trang nghiêm thờ nữ tướng
Khí đất thiêng liêng hoá phúc thần.]
Và:
Nhất đái Thanh Khê hồi tú thuỷ
Vạn niên thắng địa ngất linh từ.

[Một dải suối trong quanh nước đẹp
Nghìn năm danh thắng ngút đền thiêng.]

Di tích lân cận

(751 mieu Linh Tien ©NCCông 2018-2021)