752 Nhan Trach pagoda

Chùa Nhân Trạch (Trúc Thánh Tự)

q.Hà Đôngnhà Mạcsông Đáy

Chùa làng Nhân Trạch có từ năm 1586. Tên chữ: Trúc Thánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: WQR7+GG, số 261 đường Phú Lương, phường Phú Lương, Q. Hà Đông, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 17km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 124 Phố Xốm (xe 33, 78, 91).

Địa lý

Trước đây, Phú Lương là một xã nông nghiệp thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, xã chuyển thành phường Phú Lương, thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội. Phường có diện tích 672 ha, dân số 17.581 người, mật độ dân số 2.618 người/km². Địa giới hành chính phía đông giáp phường Kiến Hưng và huyện Thanh Oai, phía tây giáp phường Phú Lãm, phía nam giáp huyện Thanh Oai, phía bắc giáp phường Phú La.

Nhân Trạch vốn là một trong 6 thôn cổ của xã Phú Lương, bao gồm: Bắc Lãm, Động Lãm, Thượng Mạo, Trinh Lương, Văn Nội, và Nhân Trạch. Hiện nay các di tích lịch sử văn hoá tại những thôn này đều được bảo tồn và trùng tu.

Tam quan chùa Nhân Trạch. Photo ©NCCong 2020

Lược sử

Chùa làng Nhân Trạch có tên chữ là Trúc Thánh Tự. Căn cứ tấm bia đá còn lại ở trong chùa có nội dung chép việc công đức và mang niên đại Đoan Thái nguyên niên (1586) thì chùa được xây dựng vào cuối thời Lê Sơ, trước khi chuyển sang thời nhà Mạc. Trải qua mấy trăm năm, chùa đã được sửa chữa và tôn tạo nhiều lần, dáng vẻ ngày nay chủ yếu in đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Kiến trúc

Chùa Trúc Thánh hiện nay mở cổng phụ ra con đường làng, mang biển số 261 phố Phú Cường, phường Phú Lương. Cổng cũ ở ngay bên trái là một tam quan giản dị gồm 3 cửa vuông nằm dưới tán cây cổ thụ, hai bên có trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, phía sau là sân gạch với giếng tròn phía bên phải cọ́ tường hoa bao quanh. Trước kia có một toà phương đình kiểu 2 tầng 8 mái đao cong, trên gác treo một quả chuông đồng được đúc vào thời Tây Sơn, đến thời Nguyễn thì bị đục bỏ mất hàng chữ ghi niên hiệu Cảnh Thịnh.

Giếng chùa Nhân Trạch. Photo ©NCCong 2020

Toà tam bảo nhìn hơi chếch về phía nam, nhà tiền đường 5 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai và kết nối với thượng điện sâu 3 gian theo hình “chữ Đinh”. Các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường” và mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngoài chùa chính ra, trong khuôn viên còn có nhà Tổ và vườn tháp mộ của các vị sư trụ trì đã khuất.

Di vật

Chùa Trúc Thánh còn giữ được một hệ thống gồm đầy đủ tượng Phật giáo Bắc tông bài trí theo phong cách truyền thống trên 5 lớp bệ thờ hạ thấp dần dần từ phía lưng thượng điện ra ngoài. Đứng đầu thiêu hương là 2 pho tượng hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác. Tất cả các tượng trong chùa đều được tạo tác bằng gỗ và đất luyện, bên ngoài quét sơn ta, nét điêu khắc mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Trên thân các cây cột cái có treo câu đối chữ Hán.

Hiên chùa Nhân Trạch. Photo ©NCCong 2020

Tháng 2 năm 1986, chùa Trúc Thánh [và đình Nhân Trạch] đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

752 Nhan Trach pagoda ©NCCông 2020-2021