756 Khanh Van community hall
Đình Khánh Vân
s.Tô LịchLê sơh.Thường TínĐình Khánh Vân có từ đầu thế kỷ XVIII. Thờ thành hoàng Quách Gia Suy, tướng của Lê Lợi. Lễ hội: ngày 12 tháng Một âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2008). Vị trí: VRVM+XG, Khánh Vân, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Điểm Đỗ Xe Buýt Khánh Hà, UBND xã Đại Áng.
Lược sử
Thôn Khánh Vân ra đời từ thời Lê, đối diện bên kia sông Tô Lịch là làng Nhị Khê quê hương của Nguyễn Trãi. Sau cuộc cải cách hành chính năm 1831, Khánh Vân trở thành một trong 5 thôn của xã Hà Liễu, tổng Hà Liễu, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.
Hiện nay thôn Khánh Vân thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Đa số dân làng chủ yếu vẫn làm nghề nông. Giao thông khá tiện lợi vì Khánh Vân chỉ cách 1 km với bến xe bus số 12 chạy từ chợ Đám dọc theo sông Tô Lịch đến vùng gần chợ Bưởi và quay lại.
Đình làng thờ Quách Gia Suy, một vị tướng có công phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Sau khi mất, ngài được tôn là Linh Thánh đại vương và thành hoàng làng Khánh Vân.
- Cổng đình Khánh Vân. Photo ©NCCong 2023
Đình Khánh Vân muộn nhất cũng có từ đầu thế kỷ XVIII, căn cứ dòng lạc khoản viết trên câu đầu của gian giữa toà đại bái. Đình nằm cạnh ngôi miếu và chùa làng. Khuôn viên cụm di tích rất rộng rãi và có nhiều cổ thụ. Bên tả sân đình là cây cầu bắc ra thuỷ đình với tượng Quan Âm Nam Hải.
Năm 2008, đình Khánh Vân được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trải qua nhiều lần tu bổ và tôn tạo, ngôi đình hiện nay chủ yếu mang dấu ấn của kiến trúc thời Nguyễn.
Kiến trúc
Đầu thế kỷ XXI, đình Khánh Vân được xây lại với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Các hạng mục bao gồm: cổng nghi môn 4 cột trụ, hai nhà tả hữu mạc 5 gian có diện tích 100m2; toà đại bái 190m2 nằm song song với toà hậu cung 45m2 thành hình “chữ Nhị”, ngoài ra còn xây dựng nhà khách, tường rào, sân vườn và khu phụ.
- Đình Khánh Vân. Photo ©NCCong 2023
Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, mở ra đường làng và cánh đồng ở phía tây nam. Ngăn sân trong với sân ngoài là một bức bình phong có cuốn thư và trụ biểu. Toà đại đình gồm 3 gian 2 chái, mái lợp ngói ri đè lên 5 hàng cột gỗ lim to. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường, trung kẻ, hậu bẩy. Toà hậu cung gồm 3 gian nhỏ nhà ngang với các cấu kiện bộ vì bào trơn đóng bén.
Di sản
Tại đại đình có các mảng trang trí trên đầu dư, các bức cốn, bẩy hiên... được chạm khắc công phu, miêu tả các cảnh rồng ổ, lưỡng long tranh châu, rồng vờn mây, ngư ông ngắm trăng trên dòng sông nhỏ, hoa sen trong đầm, vân xoắn, lá lật v.v.. Hiện đình vẫn lưu được 01 bản thần phả, 03 tấm bia đá, 19 đạo sắc phong, đạo sớm nhất ghi niên hiệu Cảnh Hưng 3 (1742). Ngoài ra, trong đình còn có 01 bát hương bằng gốm Thổ Hà và nhiều đồ tế khí khác. Tất cả di vật mang niên đại rải rác từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn.
- Trong đình Khánh Vân. Photo ©NCCong 2023
Lễ hội đình làng Khánh Vân được tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng Một âm lịch để tưởng nhớ công đức của đại vương.
Di tích lân cận
- Chùa Đại Áng (Thiên Phúc Tự): xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.
- Đình Đại Áng: xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.
- Đình Nhị Châu: xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
- Làng khoa bảng Nguyệt Áng: xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.
- Miếu Linh Linh: xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.
- Thôn Nhị Khê: xã Nhị Khê, huyện Thường Tín.
756 dinh Khanh Van ©NCCông 2018-2021