757 Son Hai temple

Đền Sơn Hải

Trần Hưng Đạosông Hồngq.Hoàn Kiếm

Đền Sơn Hải được lập năm 1785, xây lại vào đầu thế kỷ XXI. Thờ: Trần Hưng Đạo và các hào kiệt thời Trần. Đại lễ: ngày 20 tháng Tám âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2010). Vị trí: số 139 Chương Dương Độ, 2VJ6+H2 Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2,7 km (hướng 2 h). Trạm bus: Cạnh Phố Hàm Tử Quan (xe 03a, 24, 42, 43, 48, 55a, 55b).)

Lược sử

Đông Bộ Đầu nằm ven sông Hồng, ở vào quãng từ dốc Hàng Than đến đốc Vạn Kiếp bây giờ (xem thêm về tấm bia chùa Hoè Nhai). Ngày 29-1-1258, tại đây đã diễn ra trận quyết định của quân nhà Trần đánh bại đoàn quân Nguyên—Mông xâm lược lần thứ nhất và buộc chúng phải bỏ thành Thăng Long chạy về phương bắc. Tháng 8-1284, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương đã đọc Hịch tướng sĩ và điều khiển tập trận tại đây.

Đến năm 1785, dân xóm chài Vạn An thôn Đông Bộ Đầu đã dựng một ngôi đền thờ Hưng Đạo vương cùng Phạm Ngũ Lão và các hào kiệt thời Trần. Đền được đặt tên là Sơn Hải, nằm trên vùng đất bãi từ thời Lê. Đến thời Nguyễn thuộc địa phận tổng Phúc Lâm (tên cũ là tổng Tả Túc), huyện Thọ Xương.

Cổng đền Sơn Hải. Photo NCCong ©2023

Đến đầu thế kỷ XX, chính quyền Pháp mở một con đường đất (nay là phố Hàm Tử Quan) đi từ đầu phố Balny (nay là phố Trần Nguyên Hãn) xuyên qua bãi bồi ra bến đỗ tàu thuỷ của hãng Pháp Xô-va, bến tàu chở khách của người Hoa và của doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Văn phòng của hãng Sauvage nay còn dấu vết ở Trường Tiểu học Nguyễn Du với cổng mở ra phố Hàng Tre, trong khoảng 1954-1985 từng là trụ sở của Trường cấp II Nguyễn Huệ.

Khi cuộc Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ vào cuối năm 1946, giặc Pháp và Vệ quốc đoàn đánh nhau ác liệt ở khu nhà Xô-va và xung quanh. Rồi đền Sơn Hải bị cháy. Sau đó, dân vạn chài đã rước đồ tế tự và bài vị xuống thuyền đinh để thờ. Tượng Đức Thánh Trần và các thứ to lớn phải thu nhỏ cho vừa không gian trong thuyền.

Năm 1984, tất cả lại được rước lên bờ và đưa vào ngôi đền mới xây dựng trên một mảnh đất trong con ngõ giáp bờ sông Hồng. Ngày 20-8-2003, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đền Sơn Hải dâng hương lên Đức Thánh Trần.

Tam quan đền Sơn Hải

Năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ngôi đền đã được UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hoá của thành phố.

Kiến trúc

Đến đầu thế kỷ XXI, nhờ công đức của dân sở tại và khách thập phương, đền Sơn Hải đã được tôn tạo. Trên gác tam quan là tượng Trần Hưng Đạo đúc bằng đồng nguyên khối cao 3 mét, nặng 1,7 tấn, tay cầm kiếm chỉ ra sông Hồng ở phía đông. Trong toà tiền tế có thờ Phạm Ngũ Lão cùng Lục bộ tuỳ tướng: bên phải là Đô Dũng tướng quân, Trần Thông tướng quân, Địa Lôi tướng quân; bên trái là ba anh em Hà Bổng, Hà Chương, Hà Đặc người miền núi đã có công đánh giặc Nguyên—Mông trên quê hương các ngài.

Gian giữa treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Khí tráng sơn hà” và đôi câu đối ghi lại chiến công Đông Bộ Đầu hiển hách:
Nguyên soái trầm bạch thuỷ, truyền thư Vạn Kiếp chấn Nam Bang
Trần thánh hiển thanh sơn, minh kiếm Bộ Đầu tiêu bát quái
(Tướng Nguyên chìm nước trắng, sách truyền Vạn Kiếp vang nước Nam
Thánh Trần hiển núi xanh, kiếm sáng Bộ Đầu diệt bát quái).

Tượng Thánh Trần đền Sơn Hải

Thờ cúng

Gian giữa tiền tế có tượng: Phạm Ngũ Lão, Lục bộ tuỳ tướng, Yết Kiêu, Dã Tượng và 4 con trai của Trần Hưng Đạo [1]. Tượng ở 2 gian bên: Đỗ Khắc Chung, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Khoái, Nguyễn Địa Lôi…

Trong hậu cung có phối thờ Trúc lâm Tam Tổ gồm: Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa, thiền sư Huyền Quang. Ba pho tượng Tổ được đặt trên cao với bức đại tự đề 4 chữ Hán “Nam thiên nhất phái”. Phía dưới bên trái thờ Thượng tướng Trần Quang Khải, bên phải thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Tại đây treo đôi câu đối ca ngợi công đức của dòng họ Trần:
Kế tự truyền tôn, rực rỡ mấy ngàn thu
Trần tộc anh hùng, vang lừng ba bẩy cõi.

Cùng ở hàng cao nhất của hậu cung với ba vị Trúc Lâm Tam Tổ, nhân dân còn phối thờ An sinh vương Trần Liễu và Vương mẫu tức cha và mẹ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Trong đền Sơn Hải

Hàng năm, đền Sơn Hải có 4 dịp lễ tiết. Ngày 17 tháng Giêng giỗ Thái thượng hoàng Trần Thừa và đó cũng là lễ Thượng Nguyên của năm mới. Ngày 24 tháng Tư giỗ con cả Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Nghiễn, cũng là lễ vào hạ. Ngày 20 tháng Tám giỗ Trần Hưng Đạo, còn gọi là Giỗ Cha, cũng là lễ ra hạ. Ngày 17 tháng Chạp giỗ con út của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Uất, cũng là lễ Tất niên.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2021, Son Hai temple

[1Con cả Trần Quốc Nghiễn, thứ hai Trần Quốc Hiến; thứ ba Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng; thứ tư Hưng chí vương Trần Quốc Uất.