762 Phuc Khe pagoda

Chùa Dâu (Phúc Khê Tự)

h.Thanh TrìMinh Từsông Nhuệ

Chùa Dâu do Hoàng Thái hậu Minh Từ lập vào thế kỷ XIV, trước đó là một am nhỏ thờ nữ thần Pháp Vũ. Tên chữ: Phúc Khê Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2003). Vị trí: WQ9R+46, ngõ 3 thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Khu đô thị Kiến Hưng (xe 22b), Cầu Khê Tang - Đường Cienco5 (103a, 103b).

Lược sử

Minh Từ Hoàng Thái hậu Hồ Thuận Nương là cô ruột của quyền thần Hồ Quý Ly. Bà người huyện Diễn Châu, Nghệ An, lấy vua Trần Minh Tông (1314-1329), sinh ra hai con trai đều làm vua (Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông). Do có binh biến tại Kinh thành, Bà về chùa Bảo Tháp ở đầu thôn Thượng Phúc để tu hành. Trước khi mất, vị sư trụ trì đã giao chùa cho Bà trông coi.

Cổng chùa Dâu. Photo ©NCCong 2020

Hoàng Thái hậu lập thêm một ngôi chùa mới ở Trang Hạ, tức xóm dưới của làng Thượng Phúc, đặt tên chữ Phúc Khê Tự, dân gọi là chùa Dâu. Sau khi mất, Bà được dân tôn làm thành hoàng làng Thượng Phúc. Ngôi miếu Minh Từ thờ Bà hiện toạ lạc trước cổng chùa Bảo Tháp. Còn chùa Dâu được xây trên nền một am nhỏ có từ thời Lý, nơi dân lập đàn tế lễ cầu xin nữ thần Pháp Vũ giúp cho mưa thuận gió hoà hàng năm.

Theo truyền thuyết, một năm dưới triều Lý Cao Tông mưa lũ tràn đầy sông Nhuệ, có pho tượng gỗ tạc hình Pháp Vũ dạt vào bờ Khe Hạ thì dừng lại, không chịu trôi tiếp theo dòng nước. Lũ trẻ trông thấy pho tượng phát ánh hào quang bèn hò nhau vớt lên bờ và kê đặt ngay ngắn. Nữ thần rất linh thiêng, trẻ chăn trâu dưới trời nắng gắt vẫn không bị nhức đầu, khát mà uống nước lã trong chùa cũng không sao. Làng thấy thế liền xây am rước tượng vào thờ. Những năm hạn hán, dân lập đàn tế lễ cầu mưa thường được nữ thần giúp.

Năm 2003, chùa Dâu (Phúc Khê Tự) được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Bia trước chùa Dâu. Photo ©NCCong 2020

Kiến trúc

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Phúc Khê Tự có gác chuông trên tam quan, đánh vang vọng cả một vùng Thượng Phúc, Khê Lương, Cự Khê, Khê Tang. Đồng thời chuông chùa điểm canh cho thuyền bè qua lại và sinh hoạt của người dân.

Dân trong vùng còn xây cầu Khê Lương nối từ Trang Hạ phía bờ tả với phía hữu là Khê Lương, Khê Tang rồi sang Cự Khê, Khúc Thủy. Đầu cầu, bên gốc đa của chùa dựng hai bia đá chép sự kiện liên quan đến cầu, địa danh nơi đây và chùa. Trán bia chạm hoa văn rồng chầu mặt trời, chân bia đặt trên lưng rùa đá đang bơi trên sóng thủy triều. Hàng chữ ngang mặt bia đề 4 chữ Hán “Khê Thượng Kiều Bi” (bia cầu Khê Thượng).

Cây cầu đã mất từ lâu. Cổng chùa ngày nay giáp con đường chạy ven bờ sông Nhuệ và quay mặt về phía tây nhìn ra Khe Hạ. Các hạng mục chính gồm có toà tiền đường và hậu cung kết nối theo hình “chữ Đinh”, bên trái là nhà bia và nhà thờ Mẫu, bên phải là am thờ nữ thần Pháp Vũ, tất cả nằm trong một khuôn viên rộng rãi.

Bia trong chùa Dâu. Photo ©NCCong 2017

Di vật

Có 2 tấm bia ở trước chùa ghi việc xây cầu đá Khê Tang. Một bia do hoàng giáp khoa Tân Mùi (1571) Nguyễn Hoàng, người Kim Bài, Thanh Oai soạn, gồm 32 dòng với khoảng 1600 chữ thảo ghi họ tên và số tiền góp, mặt sau còn lại rất ít chữ. Bia kia có rất ít chữ ở mặt trước, trán bia thấp, nhìn vào hoa văn trên trán, diềm và chân bia thì thấy có cùng kiểu dáng như trong Đại Việt sử kí toàn thư miêu tả tấm bia ghi niên hiệu Sùng Khang 7 (1572), đời Mạc Mậu Hợp.

Còn có tấm bia mang niên đại Hồng Đức 4 (1473, đời Lê Thánh Tông) với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, được biết là bia hậu cổ nhất sót lại đến nay. Bia ghi việc tín chủ phát tâm công đức, cung tiến rồi đưa vong của thân nhân gửi nhờ cửa Phật. Dòng đầu văn bia khắc rõ địa danh... Dòng cuối viết "Tuế thứ Quý Tỵ niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật, ngự dụng Lam San, Thư cục Lê Năng khắc".

Mái chùa Dâu. Photo ©NCCong 2020

Lại có các câu đối đề cao sự cảm hoá của đạo Phật. Trước tam bảo có treo bức hoành phi ghi 4 chữ Hán “Công đức vô lượng”. Nhiều tượng rất đẹp, mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVIII, ví dụ bộ Tam Thế Phật. Những pho làm bằng chất liệu gỗ, đồng, đất đều được sơn son thếp vàng, mang đậm phong cách dân gian như rút ngắn chiều cao, nhấn mạnh đặc điểm, chủ đề.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2020, Phuc Khe pagoda