765 Yen Thuong pagoda
Chùa Yên Thường (Phúc Nương Tự)
h.Gia LâmLê trung hưngsông ĐuốngChùa Yên Thường có từ khoảng thời Lê. Tên chữ: Phúc Nương Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 3WX9+JCQ, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 13 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Số 1 Dốc Lã - Hà Huy Tập (xe 10a, 10b, 54)
Lược sử
Yên Thường là một xã thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có diện tích 8,69 km², dân số năm 1999 là 13.986 người, mật độ dân số đạt 1.609 người/km². Trong xã có 9 thôn: Dốc Lã, Đình Vỹ, Đỗ Xá, Lại Hoàng, Liên Đàm, Trùng Quán, Xuân Dục, Yên Khê, Yên Thường. Trên bản đồ xã, phía tây-bắc giáp với huyện Đông Anh, phía nam giáp thị trấn Yên Viên, còn phía đông-bắc giáp tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Phúc Nương ra đời năm nào tuy chưa ai biết chính xác nhưng những tấm bia mang niên hiệu Hoàng Định và Chính Hoà vẫn còn lưu tại đây cho thấy ngôi chùa chắc chắn là rất cổ và đã nổi tiếng từ thế kỷ XVI-XVII. Tư liệu ghi rõ: vào thời Lê, quan Phó tự Thủy sư Tư Lễ giám hiệu kiêm Thái giám Dật hải hầu Phạm Hữu Toán và Quận công Nguyễn Đình Huấn (cùng là người Yên Thường) đã hai lần đóng góp để sửa chữa và mở rộng chùa.
- Cổng chùa Phúc Nương. Photo ©NCCong 2015
Đầu thế kỷ XIX, ngôi chùa lại được đại trùng tu. Đến năm Thiệu Trị 4 (1844), dân làng Yên Thường đã quyên tiền mua đồng và thuê thợ đúc một quả chuông lớn gọi là “Phúc Nương Tự Chung”. Lần sửa chữa cuối cùng dưới triều Nguyễn được tiến hành vào năm Bảo Đại 10 (1935). Sau đó cho đến đầu thế kỷ XXI, chùa tiếp tục được trùng tu nhưng vẫn giữ lại nhiều nét kiến trúc thời Nguyễn.
Kiến trúc
Chùa Phúc Nương toạ lạc trên một khu đất rộng và cao ráo ở gần đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn, tạo nên một cụm di tích lịch sử - văn hoá của làng. Tam bảo quay hướng nam, nhìn về phía ga xe hoả Yên Viên. Cổng chùa xây kiểu tam quan hai tầng giả và đắp mái giả ngói ống. Bốn trụ biểu chia cổng thành ba cửa mở ra đường Yên Thường, thân trụ đắp các câu đối chữ Hán.
- Chùa Phúc Nương. Photo ©NCCong 2015
Sau cổng là sân gạch, bên phải là nhà bia rộng 3 gian và giữa sân có tượng đài Đức Quan Âm Nam Hải mới dựng vào cuối thế kỷ XX. Du khách đi vòng qua tượng đến thềm tiền đường có hàng hiên với 4 cột tròn trên nền cao 9 bậc kể cả chiếu nghỉ. Chùa chính gồm tiền đường 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, kết nối với thiêu hương và thượng điện 3 gian 1 dĩ theo hình “chữ Đinh”, các mái đều lợp ngói ri. Sân sau hẹp, có hậu đường và các khu phụ vây quanh.
Di vật
Cây hương đá dựng trong sân khắc niên hiệu Chính Hoà 9 (1689), trong nhà bia có tới 12 tấm bia cổ các loại. Ngoài quả chuông đồng, chùa còn có một hệ thống đầy đủ tượng Phật giáo Bắc tông, trong đó đáng kể nhất là những pho tượng tròn được tạo tác vào thời Lê Trung hưng. Đặc biệt lại có 05 bài vị và 02 pho tượng hậu đều làm bằng đá. Các đồ thờ tự và trang trí bằng gỗ được sơn son thiếp vàng rực rỡ.
- Nhà bia chùa Phúc Nương. Photo ©NCCong 2015
Năm 1995, chùa Yên Thường (Phúc Nương Tự) đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Hiển Quang: thôn Trung, xã Dương Hà.
- Chùa Nành: làng Nành, xã Ninh Hiệp.
- Chùa Xuân Dục: làng Xuân Dục, xã Yên Thường.
- Đền Trúc Lâm: làng Công Đình, xã Đình Xuyên.
- Đình, miếu Công Đình: làng Công Đình, xã Đình Xuyên.
- Đình, miếu Tế Xuyên: làng Tế Xuyên, xã Đình Xuyên.
- Đình Xuân Dục: làng Xuân Dục, xã Yên Thường.
©NCCông 2015-2021, Yen Thuong pagoda