767 Yen Thai community hall

Đình Yên Thái (Cửa Đông)

q.Hoàn KiếmLê trung hưngỶ Lan

Đình Yên Thái có từ trước năm 1753. Thờ: hoàng thái hậu Linh Nhân. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: số 8 ngõ Tạm Thương, 2RJX+H4, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,3 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: 28 Đường Thành, hoặc 167 Phùng Hưng.

Lược sử

Thôn Yên Thái thời Lê thuộc tổng Tiền Túc, đến khoảng giữa thế kỷ XIX đổi thành tổng Thuấn Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Thời Nguyễn, thôn có một cái kho chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính. Vì vậy con đường đi qua trước cổng đình Yên Thái về sau mới đổi tên thành ngõ Tạm Thương.

Du khách từ phố Hàng Mành hoặc Đường Thành rẽ vào con phố Yên Thái chật hẹp đi đến đoạn giữa sẽ thấy đầu ngõ Tạm Thương ở phía đông nam. Đi theo lối này hoặc theo lối ngược lại từ phố Hàng Bông rẽ vào ngõ Tạm Thương đều sẽ đến gốc cổ thụ và cổng đình Yên Thái ở ngay sát đường. Cũng giống như ở ngôi chùa Kim Cổ gần đó, trong đình này có thờ tượng hoàng thái hậu Linh Nhân.

Hậu cung đình Yên Thái. Photo ©NCCong 2015

Thần tích chép rằng bà tên là Lê Thị Khiết (1044 – 1117), người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc. Vua Lý Thánh Tông (1022 – 1072) hơn 40 tuổi mà chưa có con trai nên hay đi chùa cầu tự. Một lần vua đến Thổ Lỗi, mọi người đều lánh đi, riêng cô Khiết vẫn tựa vào gốc cây lan và lễ phép trả lời khi ngài hỏi chuyện. Vua yêu lắm bèn mang về Thăng Long nhập cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân (倚 蘭 夫 人).

Sử cũ chép rằng bà Ỷ Lan sinh hoàng tử nên được phong là thần phi, dần dần lên nguyên phi, hoàng hậu rồi trở thành hoàng thái hậu Linh Nhân sau khi vua qua đời. Bà từng cầm quyền nhiếp chính 2 lần để thay chồng và thay con nhỏ, tỏ rõ bản lĩnh biết dùng những người có tài trị nước an dân, thực hiện sách lược "cự Tống, bình Chiêm" đều thắng lợi. Bà còn cho xây nhiều chùa chiền, đình đền ở kinh đô Thăng Long và quê hương Kinh Bắc.

Tiền tế đình Yên Thái. Photo ©NCCong 2015

Theo bài ký khắc trên bia đá niên đại Tự Đức 13 (1860) hiện đặt tại chùa Kim Cổ, bà từng lập Đồng Thiên Quán ở làng Kim Cổ. Đến thời Lê trung hưng, quán được dùng làm cung thờ bà và các cung phi, cuối cùng trở thành chùa Kim Cổ. Năm Kỷ Dậu đời Quang Trung (1789), dân làng đưa quán sang đình Yên Thái, cả hai làng đều được ban tặng sắc chỉ. Năm Tự Đức 10 (1857), Lại bộ thị lang Bùi Thương Hàn đã cúng 100 lạng bạc để đại tu đình, gần 2 năm mới xong. Năm 2000, một số hạng mục của đình lại được sửa chữa.

Kiến trúc

Đình làm kiểu “chữ Công", quay về phía đông bắc. Sau 5 bậc thềm là 3 gian tiền tế chồng diêm, rồi đến ống muống 1 gian xây năm 1926 với 4 cột trụ, hai bên để hở làm cầu nối với hậu cung 3 gian. Chính giữa hậu cung đặt tượng thờ hoàng thái hậu, bên trái thờ Mẫu, bên phải thờ Phật. Bên tả sân giữa là hành lang với các ban thờ khác, bên hữu đặt bia. Phía sân sau là các dãy nhà phụ và cổng hậu.

Đình Yên Thái. Photo ©NCCong 2015

Di sản

Trong đình hiện bảo lưu được 07 đạo sắc phong, sắc sớm nhất mang niên đại Cảnh Hưng 14 (1753) và muộn nhất là Khải Định 9 (1924). Lễ hội truyền thống được dân làng tổ chức hàng năm diễn ra từ 15 đến 17 tháng Ba âm lịch để kỷ niệm ngày sinh và từ 23 đến 25 tháng Bảy âl để kỷ niệm ngày hoá của hoàng thái hậu.

Ngày 16-1-1995, ngôi đình Yên Thái được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

767 dinh Yen Thai ©NCCông 2014-2021