768 My A community hall

Đình Mỹ Ả

h.Thanh TrìBắc thuộcsông Hồng

Làng Mỹ Ả tương truyền có từ thời Bắc thuộc. Đình làng thờ thành hoàng Cao Biền 高 駢. Xếp hạng: Di tích thành phố (2006). Vị trí: WV9P+96 xã Đông Mỹ, H. Thanh Trì, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°55’06.5"N 105°53’08.0"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 15km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Cổng làng Mỹ Ả - Đê Hữu Hồng (xe 08b, 08bct).

Lược sử

Tương truyền làng Mỹ Ả có từ thời Bắc thuộc. Gần làng có đầm Thọ Vực, tên khác là đầm Vạn Xoan, có người cho là dấu tích của kinh đô nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế lập nên. Tại vùng này các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều di vật có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VI, phù hợp với thời gian ra đời của nhà nước Vạn Xuân.

Cổng đình Mỹ Ả. Photo ©NCCong 2018

Làng Mỹ Ả từng là nơi đóng trại của sứ quân Nguyễn Siêu (924 - 967), một đại tướng của Ngô Quyền. Làng vốn có tên Hoa Ả, đến năm 1941 do kiêng huý nên vua Bảo Đại nhà Nguyễn mới đổi thành Mỹ Ả. Trước năm 1945 đây là xã Mỹ Ả, tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc TP Hà Nội.

Đình Mỹ Ả thờ thành hoàng Cao Biền (821 - 887), tự Thiên Lý, một người Hán theo đạo Lão và có gốc quý tộc ở U châu, nay là Bắc Kinh. Đầu triều vua Đường Ý Tông, ông dẫn 5000 lính đến vây toà thành Giao Chỉ, năm 866 đánh bại quân Nam Chiếu trong thành và giết vị tù trưởng bản địa Chu Đạo Cổ, được làm Tiết độ sứ đầu tiên tại trị sở Tĩnh Hải quân.

Tiền tế đình Mỹ Ả. Photo ©NCCong 2018

Trong 7 năm ở đây, Cao Biền đã lấy được lòng dân nhờ giảm sưu thuế, cho đắp thành Đại La ven sông Tô Lịch, chặn được các cuộc tiến công của Nam Chiếu từ Vân Nam sang.

Trong đình Mỹ Ả. Photo ©NCCong 2018

Vợ ông là Lã Thị Nga truyền nghề dệt lụa, sau khi mất được thờ ở ngôi miếu làng Vạn Phúc (Hà Đông) và đình làng ấy. Cao Biền đã phong vị thần bản địa Long Đỗ làm thành hoàng Đại La, cho sửa đền Chèm và miếu Nam Trì, lập đền Vũ Ninh thờ Cao Lỗ và khai thông lại đường thuỷ bộ đến Lĩnh Nam (Quảng Đông). Ông trở về nhận chức ở Sơn Đông. Đầu đời Đường Hy Tông, ông được trọng dụng; sau mất dần quyền uy do làm giàu nhờ chức vận tải muối-sắt, tin dùng thầy phù thuỷ, không chống được loạn Hoàng Sào. Năm 887 ông cùng nam giới trong gia tộc bị giết hết và chôn chung.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên thành Thăng Long, phong thần Long Đỗ làm Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương và Cao Biền làm Cao Vương.

Năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã xếp hạng đình [và chùa] làng Mỹ Ả là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc

Đình Mỹ Ả trải qua lịch sử lâu đời đã bị mất nhiều diện tích và dấu vết cổ xưa. Hiện nay đình mang nét kiến trúc kiểu cuối thời Nguyễn, các dáng vẻ bên ngoài còn lại chủ yếu được định hình từ những đợt trùng tu trong thế kỷ XX.

Trước hậu cung đình Mỹ Ả. Photo ©NCCong 2018

Đình nằm bên tả hậu đường chùa Mỹ Ả, mặt cùng nhìn về đầm nước và cánh đồng lúa ở phía tây nam. Sau bức bình phong là sân rộng rồi đến toà tiền tế 5 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, nền rất cao. Một ống muống hai tầng kết nối tiền tế với hậu cung 3 gian thành hình "chữ Công". Hai bên ống muống là hai hành lang nhỏ, các mái cũng lợp ngói ri. Bên tả đình là một vườn cây lưu niên và lối đi rộng thông với cổng mới xây kiểu nghi môn tứ trụ mở ra chân đê Hữu Hồng.

Di sản

Các hiện vật bên trong đình Mỹ Ả in đậm dấu vết nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Nguyễn nhưng ngôi đình để lại nhiều truyền thuyết rất xưa. Dân gian đồn Cao Biền là người cưỡi ngựa trắng trong đền Bạch Mã, là một tổ nghề phong thuỷ từng đi trấn yểm các huyệt đạo phương nam và ủ đậu làm binh nhưng âm mưu thất bại. Gò cát ở thôn Đồng Môn, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được cho là mộ do Cao Biền tự chọn. Đồng làng Phương Nhị gần đình Mỹ Ả thì là nơi ngài cưỡi diều giấy bị rơi xuống, cách ngôi mộ đó nghìn dặm...

Di tích lân cận

©NCCong 2018-2021, My A community hall