773 Phuong Bang pagoda

Chùa Phương Bảng (Hưng Long Tự)

h.Hoài ĐứcLê trung hưngsông Đáy

Chùa Phương Bảng có từ thời Hậu Lê. Tên chữ: Hưng Long Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1997). Vị trí: 2MCW+444, thôn Phương Bảng, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 20 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Song Phương (xe 66)

Địa lý

Song Phương là một xã nằm bên tả ngạn sông Đáy, thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Phía bắc giáp hai xã Sơn Đồng, Tiền Yên; phía đông giáp hai xã Lại Yên, An Khánh; phía tây giáp xã Vân Côn; phía nam giáp hai xã An Thượng, Vân Côn và có đại lộ Thăng Long chạy qua. Xã có diện tích 573 ha với dân số năm 1999 là 9.930 người.

Song Phương dưới thời Nguyễn thuộc tổng Đắc Sở, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Hiện nay xã gồm hai thôn Phương Viên, Phương Bảng cùng hai trại Ngòi và Ba Lương. Theo quy hoạch, trên địa bàn ngoại ô của TP Hà Nội mở rộng sẽ có tuyến đường Vành đai 4. Đoạn đi thẳng qua xã Song Phương dài khoảng 1,5km sẽ có điểm đầu ở Đại lộ Thăng Long tại vị trí cách cầu vượt Song Phương khoảng 400m và kết thúc ở đê Song Phương tại vị trí cách đê Tiền Lệ khoảng 370m.

Sân chùa Phương Bảng. Ảnh ©NCCong 2021

Lược sử

Thôn Phương Bảng tên Nôm là làng Ngòi. Trong làng có ngôi chùa tên chữ là Hưng Long Tự. Có thể đoán rằng chùa Hưng Long thành lập muộn nhất cũng vào đầu thế kỷ XVII nhờ dòng lạc khoản trên bức phù điêu bằng đá tạc hình Thích Ca sơ sinh cho biết phù điêu được dựng trên thượng điện vào năm Đức Long thứ tư (1632), đời vua Lê Thần Tông 黎 神 宗. Chùa từng bị phá huỷ năm 1947 rồi xây lại năm 1953 và đến nay đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Năm 1997, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chùa Hưng Long (Phương Bảng) là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia. Năm 2021 một dự án trùng tu chùa này đã được phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Hành lang chùa Phương Bảng. Ảnh ©NCCong 2021

Kiến trúc

Chùa Phương Bảng toạ lạc tại mé trong đê Song Phương, bên kia đê là cánh đồng đất bãi trù phú ven sông Đáy. Tam bảo quay về hướng tây nam nhìn qua sân ra cổng, giáp ngay trường Mầm non Song Phương A và xa hơn một chút là trường THCS Song Phương ở dưới chân đê.

Toà tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, thềm cao 5 bậc đá, cửa bức bàn. Các bộ vì làm theo kiểu chồng rường trên 5 hàng cột gỗ lim. Thượng điện sâu 3 gian, kết nối với gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”, bên trong có 2 hàng cột gỗ lim, các vì kèo gối lên tường. Phía sau là gác chuông xây kiểu vòm cuốn, bên trên treo một quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh nguyên niên thời Tây Sơn (1793). Ngoài ra trong chùa còn có nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.

Tượng chùa Phương Bảng. Ảnh ©NCCong 2021
Trong chùa Phương Bảng có một hệ thống tượng Phật giáo bài trí theo phái Bắc tông. Ngoài quả chuông đã tả ở trên, nhà chùa còn bảo lưu được một số tấm bia đá tạo tác dưới thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Theo nội dung bài ký khắc trên bia thì có 2 gia đình phú hộ họ Vương và họ Nguyễn đã đóng góp công đức trùng tu và tô lại tượng.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Phuong Bang pagoda