775 Lai Yen pagoda
Chùa Lại Yên (Nhạ Phúc Tự)
h.Hoài Đứcsông Đáynhà TrầnChùa Lại Yên có từ thời nhà Trần. Tên chữ: Nhạ Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1997). Vị trí: thôn Đồng Ốc, 2PF2+VP4, xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Song Phương.
Lược sử
Tương truyền, vào đời Hưng Long, vua Trần Anh Tông (1293-1314) rất yêu một bà thứ phí vừa xinh đẹp vừa tài khéo, gọi là Áp Nha. Nhân đi ngang qua quê bà ở thôn Đồng Ốc gặp điềm lành, nhà vua bèn làm lễ cầu tự tại Kính Thiên Đài, còn gọi Quán Lại Yên. Sau đó Áp Nha sinh được công chúa Thắng Đức.
Lớn lên công chúa không chịu lấy chồng mà nhất định xin vua cha cho về tu hành nơi quê mẹ. Trần Anh Tông chiều lòng con đã cho xây dựng một ngôi chùa mới ở thôn Đồng Ốc và đặt tên Áp Nha Thiền Tự. Về sau công chúa Thắng Đức được thờ hậu Phật và chùa đổi tên là Nhạ Phúc Tự, đến thời Lê Trung hưng lại thành Nhạ Phúc Thiền Tự. Nhân dân địa phương quen gọi là chùa Nhạ Phúc hay chùa Cả.
- Gác chuông chùa Nhạ Phúc
Nhà vua cho đào kênh nhỏ nối chùa với Lăng Mẫu và Ao Cảnh để công chúa thưởng ngoạn. Trải qua sóng gió của lịch sử, ngày nay con kênh đó chỉ còn lại một đoạn ngắn ở sau lưng chùa, dân gọi là đầm Lại Yên.
Ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, gần đây nhất là vào năm 2007 và 2016.
Kiến trúc
Chùa Nhạ Phúc nay toạ lạc trong một khuôn viên có diện tích 11.492 m2. Tam quan xây kiểu 2 tầng 8 mái khá nhỏ, trên cửa giữa đắp nổi 3 chữ Hán “Nhạ Phúc Môn” nhìn về hướng tây nam. Sau cổng là con đường nhỏ chạy dọc vườn cây dẫn đến gác chuông kiểu phương đình 2 tầng 8 mái dựa trên 4 cột cái làm bằng gỗ lim và 12 cột quân bằng đá liền khối xẻ vuông.
- Tiền đường chùa Nhạ Phúc
Mặt bằng xây dựng chùa chính có hình “Nội Công ngoại Quốc”. Toà tiền đường rộng 7 gian 2 dĩ. Thượng điện được xây theo kiểu 2 tầng 6 mái, phía sau có toà tam bảo hậu gồm 3 gian. Bên trái thượng điện là am cung nhỏ thờ Bà công chúa Thắng Đức. Nhà Tổ ở bên phải chùa chính và mới trùng tu xong năm 2016, thờ các vị sư trụ trì. Hiện nay, chùa có thêm dãy nhà tầng và thư viện, nhà ăn, nhà bếp, khu phụ phục vụ cho tăng ni những dịp về đây kiết hạ và cho cả phật tử, trẻ em địa phương đến học tập giáo lý nhà Phật. Ngoài ra, trong chùa còn thờ Mẫu.
Di vật
Trên gác chuông chùa Nhạ Phúc có treo một quả đại hồng chung đã hơn 200 tuổi. Bên trái toà tiền đường hiện quy tập rất nhiều tấm bia đá. Bên phải thượng điện là một trong hai bức Tranh Tội rất cổ và quý hiếm còn sót lại ở miền Bắc Việt Nam, mô tả cảnh Thập Điện Diêm Vương xét xử những kẻ bị đày xuống địa ngục với quỷ dữ, đầu trâu, mặt ngựa, chó ngao. Ngoài ra, trong chùa bài trí một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông và nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao.
- Bia chùa Nhạ Phúc. Photo ©NCCong 2021
Chùa Nhạ Phúc được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 2890/VH-QĐ ngày 27/9/1997.
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Long
- Chùa Thích Ca
- Đền Phương Bảng
- Đình Phương Bảng
- Đình Phương Viên
- Đình Tiền Lệ
- Lăng Phạm Đôn Nghị
775 chua Lai Yen ©NCCông 2019-2021