781 Ngu Cau community hall

Đình Ngự Câu

h.Hoài Đứcsông ĐáyBắc thuộc

Đình Ngự Câu có từ thời Lê trung hưng. Thờ: Bố Cái đại vương Phùng Hưng cùng phu nhân và phối thờ 5 vị thành hoàng khác. Vị trí: XP23+34J, thôn Ngự Câu, xã An Thượng, H. Hoài Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 20km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Trước 50m lối vào UBND huyện Hoài Đức (xe 66, 74, 87, 88, 104, CNG01)

Lược sử

Đình Ngự Câu có tên Nôm là đình Cầu, thuộc thôn Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Đình được dựng vào thời Lê trung hưng, đã qua sửa chữa và trùng tu nhiều lần. Diện mạo di tích hiện nay là kết quả của đợt đại trùng tu vào đầu thời Nguyễn. Khuôn viên còn lại tuy không lớn nhưng nghệ thuật kiến trúc và trang trí cuối thế kỷ XIX có những nét rất đặc sắc với đề tài phong phú.

Đình thờ Bố Cái đại vương Phùng Hưng và phu nhân. Ngoài ra, trong đình còn phối thờ 8 vị thánh khác, gồm đại vương Đô Thiện với hai bà vợ họ Kim và họ Chu cùng 5 vị theo thần phả đều là con của họ. Nhân nước Âu Lạc có giặc, 8 vị đã chiêu mộ binh lính và đem quân lên đường giúp Thục An Dương Vương đánh dẹp thắng lợi, được vua ban thưởng và phong tước. Sau khi các ngài hoá, dân làng Ngự Câu đã lập đền thờ, lấy ngày sinh và ngày hoá làm ngày lễ để cúng tế theo truyền thống.

Cổng đình Ngự Câu. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Tường đình Ngự Câu giáp với đường làng, trước cổng là chợ Cầu. Sau nhiều thế kỷ đổi thay, bây giờ trong và ngoài tường bao chỉ còn lại rất ít cây to. Bên hữu có ngôi chùa làng cách khoảng trăm bước chân. Nghi môn làm theo kiểu trụ biểu lắp với 3 cửa vuông nhìn qua một hồ nước dài đã bị thu hẹp. Sau cổng là sân gạch nhỏ với 2 dãy tả hữu vu đơn giản.

Đình có cấu trúc hình “chữ Đinh” (丁), mặt hướng về phía tây nam. Toà đại đình gồm 3 gian 2 chái, dài 10,5m, rộng 4,5m, được chia thành 3 khoang lớn, khoang giữa là gian chánh điện ăn thông với hậu cung, nền nhà được lát gạch Bát Tràng. Các gian bên hồi có lát sàn gỗ lim cao hơn gian giữa, được ngăn cách bằng hàng lan can gỗ cao 0,5m so với mặt nền. Các đầu đao uốn cong nhẹ nhàng thanh thoát, toàn bộ mái đều lợp ngói ri.

Đại đình Ngự Câu. Photo ©NCCong 2021

Gian bên trong của đình phối thờ 8 vị thành hoàng của làng, xếp theo thứ tự gọi là thánh Nhất cho đến thánh Bát. Hậu cung gồm 2 gian, gian ngoài thờ vợ chồng Bố Cái đại vương Phùng Hưng, gian trong đặt kiệu và đồ thờ tự, tế lễ. Đây là một hậu cung theo kiểu nhà sàn, phía ngoài là hương án, phía trong thì bên trên là khám thờ, bên dưới có thể làm chỗ cho ông thủ từ canh gác.

Di sản

Hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương vẫn tổ chức lễ hội đình Ngự Câu vào ngày 10 tháng Hai âm lịch, cùng dịp với lễ hội của các làng An Hạ, Lại Dụ, Đào Nguyên, Thanh Quang bên cạnh để tưởng niệm các vị thành hoàng. Trong dịp này diễn ra đám rước kiệu. Cứ 5 năm lại một lần mở đại lễ hội, nghe nói xưa kia từng có hàng vạn người tới tham gia.

Chánh điện và hậu cung đình Ngự Câu. Photo ©NCCong 2021

Hiện nay trong đình Ngự Câu còn giữ được nhiều di vật quý như long ngai, bài vị, kiệu bát cống và một cuốn thần phả được sao lại vào năm 1919 cùng 14 đạo sắc phong, đạo sớm nhất có niên đại Lê Cảnh Hưng thứ 28 (1767). Cần chú ý tới bức hoành phi ở chánh điện và các câu đối cổ treo trên hàng cột lim, đặc biệt các mảng chạm khắc gỗ với đủ loại kỹ thuật được phô diễn tinh tế trên các bức cốn, bẩy hiên và bộ cửa giữa của toà đại bái.

Năm 1990, đình [và chùa] Ngự Câu đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Chạm khắc gỗ ở đình Ngự Câu. Photo ©NCCong 2021

Di tích lân cận

©NCCong 2012-2021, Ngu Cau community hall